Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk

Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 3, 08/03/2022 20:14

Dù vất vả nhưng cứ đến mùa đót trổ bông, người dân lại rủ nhau vượt chặng đường dài lên núi hái “lộc trời” về bán để có thêm thu nhập cho gia đình.

Như thường lệ, cứ vào dịp đầu mùa Xuân, người dân tại xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lại tất bật vượt hàng chục km để lên núi hái đót.

Nhiều người gọi bông đót là “lộc trời” bởi cây đót mọc trên núi cao mỗi năm chỉ nở đúng một lần vào đầu mùa Xuân. Mùa hái đót còn giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Cây đót mọc nhiều ở khu vực đỉnh núi Ea Rớt, các tiểu khu 1148, 1153, 1163 địa bàn giáp ranh giữa xã Cư Pui, Cư Đrăm, huyện Krông Bông và một phần huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk thuộc dãy Chư Yang Sin.

Dân sinh - Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk

Người dân lên núi hái bông đót về bán.

Cứ đến mùa đót trổ bông, hàng trăm người dân tại các huyện Krông Bông, M'Đrắk lại rủ nhau đi hái “lộc trời”. Hiện nay, đang là thời điểm cuối mùa hái đót nhưng hằng ngày vẫn có nhiều người dân chăm chỉ lên rừng hái bông đót về bán.

Thức dậy từ mờ sáng, anh Lù Xuân Dùng, 45 tuổi, trú tại thôn Ea Bar, xã Cư Pui vội vã chuẩn bị thức ăn, nước uống và những dụng cụ cần thiết như dao, bao tay, dây buộc và ít dầu gió để phòng côn trùng đốt. Sau đó, anh cùng mọi người vượt hàng chục km mới đến được nơi có đót để hái.

Dân sinh - Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk (Hình 2).

Nhiều người chẳng kịp chuẩn bị bao tay nên dùng đôi tay trần để hái đót.

Theo anh Dùng, hái đót là công việc khá vất vả. Bởi đót là loại cây cỏ dại mọc trên các triền núi, lưng đồi. Chính vì vậy, người dân phải len lỏi trong rừng, trèo lên những vách đá để kiếm bông đót. Chưa kể, những bụi cây cao quá đầu, che khuất tầm mắt khiến việc hái đót gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, để có thêm thu nhập lo cho gia đình trong lúc dịch bệnh khó khăn, ngày nào anh Dùng và nhiều người dân địa phương cũng lên rừng tìm bông đót hái mang về bán cho các điểm thu mua làm nguyên liệu kết chổi đót.

Theo đó, nếu siêng năng, chăm chỉ, nhiều người có thể hái được khoảng 50 - 60 kg đót tươi/ngày, thậm chí có người hái được cả tạ đót mỗi ngày. Với giá khoảng 6.500 đồng/kg đót tươi và khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg đót khô thì mỗi người có thể kiếm được hơn 300.000 đồng/ngày.

Dân sinh - Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk (Hình 3).

Sau khi hái đót trên núi về, người dân cột lại thành từng bó rồi mang đến bán cho các điểm thu mua.

Không chỉ người đi hái đót có thu nhập mà mùa đót còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương đi phơi đót thuê với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày.

Dân sinh - Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk (Hình 4).

Nhiều người được thuê phơi đót với giá từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày công.

Dân sinh - Mùa hái “lộc trời” ở Đắk Lắk (Hình 5).

Đót khô được thu mua với giá khoảng 20.000 - 21.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho hay, trên địa bàn xã Cư Pui có đến 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Do đó, mùa hái đót đã giúp cho bà con có thêm một khoản thu nhập, cải thiện cuộc sống. Sau mỗi vụ hái đót, nhiều người kiếm được vài ba triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng.

“Mùa đót bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 3. Những bông đót được lựa chọn để hái là bông còn non mới có giá trị và bán được. Việc hái đót cũng rất vất vả và nguy hiểm.

Đót mọc trên vách núi cao nên nếu không có kinh nghiệm thì rất khó để hái được bông đót và dễ bị trượt ngã, chưa kể nếu chẳng may bị rắn, côn trùng cắn hoặc bị lá đót, cây gai sắc cứa vào tay gây thương tích...

Do đó, chính quyền luôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con đảm bảo an toàn lao động khi vào rừng thu hái đót. Đồng thời, hướng dẫn người dân, khi thu hoạch phải bảo vệ gốc, bụi đót để cây duy trì phát triển cho năm sau tiếp tục thu hái”, ông Tâm nói thêm.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.