Dưới góc nhìn kinh tế
Xuyên suốt lịch sử, Real Madrid rõ ràng là hình mẫu của gã trọc phú của bóng đá, một đội bóng chuyên mua sắm những siêu sao. Mua đắt nhưng bán lại rẻ như bèo, đó là hình ảnh thường thấy của “đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha”. Tuy nhiên mùa hè 2013 chứng kiến một bước ngoặt lớn đến mức có thể xem đấy là kỳ chuyển nhượng thành công nhất trong lịch sử Real Madrid, ít nhất là trên phương diện kinh tế.
Với việc hoàn tất thương vụ chuyển nhượng Mesut Ozil sang Arsenal với giá 45 triệu euro ngay trước giờ thị trường chuyển nhượng đóng cửa, Real Madrid đã nâng tổng số tiền thu về từ việc bán cầu thủ trong mùa hè 2013 lên tới 109.5 triệu euro. Trong quá khứ, kỳ chuyển nhượng chứng kiến Real Madrid thu về nhiều tiền nhất từ việc bán cầu thủ cũng chỉ đạt tới con số 87.5 triệu euro (mùa hè 2009).
Thời điểm đó, Florentino Perez đánh dấu sự trở lại của mình bằng một cuộc cách mạng lực lượng rầm rộ với sự xuất hiện của Kaka, Benzema, Alonso hay C.Ronaldo và kết quả là Robben (24 triệu euro), Sneijder (15), Negredo (15), Huntelaar (15) và một số cái tên khác bị tống khứ khỏi Bernabeu. Sự khác biệt lớn nhất giữa mùa hè 2009 và 2013 nằm ở chỗ hầu hết các thương vụ bán cầu thủ trong mùa hè 2013 thì Real Madrid đều thu về những khoản lời rất lớn nếu so với số tiền từng bỏ ra.
Ngoại trừ Negrego là cầu thủ trưởng thành từ chính lò Castilla thì những cầu thủ còn lại Real Madrid phải đều chấp nhận chịu lỗ để thanh lý khỏi Santiago Bernabeu. Điển hình như Real Madrid từng chi ra 35 triệu euro để chiêu mộ Robben, 27 triệu euro để chiêu mộ Sneijder và 20 triệu euro để chiêu mộ Huntelaar. Trong khi đó mùa hè 2013 vừa qua, Real Madrid bán Higuain cho Napoli với giá 37 triệu euro (thêm 3 triệu euro biến phí) dù chỉ phải bỏ ra 12 triệu euro cho River Plate cách đây 8 năm.
Ngoài ra, Real Madrid chỉ phải chi ra 15 triệu euro cho Bremen để có Ozil nhưng bây giờ thu về tới 45 triệu euro hoặc Callenjon đươc bán cho Napoli với giá 9.5 triệu euro trong khi được mua từ Espanyol với giá 5.5 triệu euro. Trong đợt thanh lý cầu thủ hàng loạt này, Napoli chính là đối tác lớn nhất của Real Madrid với 3 bản hợp đồng Higuain, Callejon và Raul Albiol với tổng giá trị lên tới 58.5 triệu euro.
Như vậy, mặc dù chi thực hiện hàng loạt thương vụ bom tấn trên thị trường chuyển nhượng mùa hè 2013 tuy nhiên số tiền thực mà Real Madrid của Florentino Perez chi ra không phải là quá lớn. Theo số liệu của AS, Real Madrid đã chi ra 163.5 triệu euro cho 5 bản hợp đồng Gareth Bale (91 triệu euro), Isco (30 triệu euro), Illarramendi (30 triệu euro), Dani Carvajal (6.5 triệu euro) và Casemiro (6 triệu euro). Ở chiều ngược lại, Los Blancos cũng thu về tới 109.5 triệu euro, số tiền vượt quá mong đợi của “nhà trắng” từ việc thanh lý cầu thủ.
Dưới góc nhìn chuyên môn
Xuyên suốt lịch sử, Real Madrid luôn cố gắng theo đuổi thứ bóng đá tấn công tận hiến và đẹp mắt. Các thế hệ cầu thủ từ Di Stefano, Puskas cho tới Raul, Zidane nỗ lực tạo dựng hình ảnh một đội bóng hào hoa, lịch lãm đúng chất “hoàng gia”. Thế cho nên hình ảnh in sâu vào tâm trí hầu hết madridistas là những ngôi sao hàng đầu thế giới xuất hiện trong bộ trang phục áo trắng thuần khiết, “vờn” đối thủ bằng những pha xử lý bóng đậm chất kỹ thuật hoặc những màn đan lát “thêu hoa dệt gấm” mãn nhãn.
Tuy nhiên đến triều đại Jose Mourinho, hình ảnh của một Real Madrid hào hoa phong nhã gần như hoàn toàn biến mất. Real Madrid của Mourinho, một chiến lược gia theo phong cách thực dụng lựa chọn lối chơi phòng ngự để rồi tung ra những đòn phản công chớp nhoáng thay vì áp đặt lối chơi lên đối thủ. Mourinho xây dựng một đội hình gồm nhiều cầu thủ phù hợp với những cầu thủ phòng ngự thi đấu máu lửa như Pepe, những tiền vệ có khả năng chuyền xa tốt như Xabi Alonso và những cầu thủ tấn công có tốc độ và khả năng dứt điểm như Cristiano Ronaldo.
Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của Mourinho, nhưng 3 năm làm việc tại Bernabeu, dẫu vậy thực sự “người đặc biệt” đã gạt quá khứ hào hùng, gạt tôn chỉ xây dựng lối chơi mà những thế hệ đi trước đã dày công vun đắp sang một bên để biến Real Madrid từ một nhà quý tộc lịch làm trở thành một gã đồ tể. Ngoài “vấn đề” trong việc xây dựng lối chơi cho Real Madrid, Jose Mourinho còn gây “mất điểm” bởi phong thái hành xử có phần quá “bản năng”, quá cá tính có phần không phù hợp với một đội bóng mang mác “hoàng gia”.
Chính vì vậy, sau sự ra đi của Jose Mourinho, những madridistas có cơ sở để hy vọng được chứng kiến một Real Madrid tấn công tận hiến sẽ trở lại với cuộc cách mạng lực lượng lớn về mặt nhân sự mà Perez tạo ra. Sự xuất hiện của những Ancelotti, Isco hay mới nhất là Bale ít nhiều làm tư duy bóng đá tấn công được tái sinh tại Bernabeu.
Chứng kiến Isco chơi bóng, có thể thấy ở tài năng trẻ này toát lên hình ảnh của một nghệ sĩ lớn của sân cỏ trong tương lai, thậm chí là một thủ lĩnh có thể dẫn dắt cả một đội bóng chơi thứ bóng đá tấn công cống hiến đậm chất Latin. Thậm chí theo đánh giá của nhiều người thì Isco hoàn toàn có thể trở thành một Zidane thứ hai của bóng đá thế giới. Trong khi đó với Bale và C.Ronaldo, Real Madrid đang sở hữu một lúc hai khẩu thần công có sức hủy diệt khủng khiếp nhất của bóng đá thế giới vào thời điểm hiện tại.
Cuối cùng, nói về tân HLV Ancelotti, tại PSG, Chelsea và đặc biệt là AC Milan, chiến lược gia người Italia này luôn xây dựng cho đội bóng của mình lối chơi tấn công cống hiến, thậm chí còn có phần giống với lối chơi của Real Madrid thời Del Bosque với những pha đan lát ở trung lộ. Ngoài ra, một lý do khác để madridista tin rằng Real Madrid sẽ lấy lại hình ảnh đẹp đẽ dưới thời Ancelotti chính là chiến lược gia người Italia này luôn có được một mối quan hệ thân thiết với các học trò cũng như phong thái ứng xử bặt thiệp, nho nhã.
Những trận đấu đầu tiên của Real Madrid ở mùa 2013-14 cũng đã phần nào chứng minh điều đó. Vì vậy, khi kỳ chuyển nhượng kết thúc và dàn cầu thủ đã được định hình cũng chính là lúc những madridistas có thể mơ về sự hồi sinh thực sự của Los Galacticos.
Theo Dân trí