Kiểm tra hình thức bên ngoài
Có lẽ khi xem máy thì điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hình thức bề ngoài của máy. Hình thức bề ngoài có thể nói cho bạn biết rất nhiều về cách người chủ trước sử dụng máy. Vị trí đầu tiên mà bạn cần xem khi chọn mua máy cũ là các đầu... ốc vít của máy. Tất cả các dấu hiệu như đầu vít bị xước xát nghiêm trọng, bị toét hoặc con vít khác màu , sai chủng loại đều là dấu hiệu cho thấy máy từng bị cạy mở.
Bên cạnh màn hình, điểm thứ 2 mà nhiều người "săm soi" rất kĩ khi chọn mua điện thoại là các vết móp, sứt sẹo trên thân máy. Các cú rơi thường gây hậu quả rất trực tiếp và dễ nhận biết trên thân máy nhưng không ảnh hưởng nhiều về lâu về dài, vì vậy nếu máy ở thời điểm bạn kiểm tra vẫn hoạt động bình thường tức là các lần rơi đó không làm ảnh hưởng quá nhiều tới phần cứng của máy.
Kiểm tra màn hình cảm ứng
Màn hình cảm ứng là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần kiểm tra trước khi mua bất kỳ một chiếc iPhone nào dù mới hay cũ. Bằng mắt thường, rất khó để có thể tìm ra sự khác biệt giữa một chiếc iPhone chưa từng qua sửa chữa, và một chiếc đã từng được thay màn hình “lô”. Chính vì thế mà nếu đã có tâm lý chấp nhận “sống chung với lũ”, bạn nên biết cách kiểm tra sơ bộ xem liệu chiếc màn hình đó có thực sự tốt.
Ảnh minh họa
Có hai bước thường được sử dụng để kiểm tra màn hình iPhone. Trước tiên, bạn nhấn đè một biểu tượng chương trình trên iPhone để máy chuyển sang chế độ sắp xếp các biểu tượng (lúc này các biểu tượng trên máy sẽ rung nhẹ). Sau khi đưa điện thoại về chế độ này, bạn giữ tay kéo một biểu tượng trên màn hình theo các phương ngang, dọc, đường chéo để chắc chắn rằng màn hình không hề có khu vực nào bị liệt cảm ứng. Nếu có, bạn sẽ không thể nào kéo biểu tượng này đi khắp các vị trí trên màn hình.
Kiểm tra kết nối
Sau các bước trên, bạn kiểm tra tiếp đến các kết nối Wi-Fi và 3G xem có kết nối được không. Bạn nên yêu cầu được reset máy về tình trạng ban đầu để kiểm tra, bởi một số lỗi có thể được sửa chữa tạm thời bằng ứng dụng chạy trên máy. Bên cạnh đó, cũng phải xem camera, gọi điện thoại và nhắn tin xem những tính năng này có hoạt động tốt hay không.
Kiểm tra tình trạng bảo hành
Đối với các sản phẩm của Apple, một lưu ý quan trọng là thông tin bảo hành của máy sẽ tiết lộ cho bạn khá nhiều thông tin về tình trạng, xuất xứ của thiết bị. Apple thường không quản lý thiết bị của mình thông qua số IMEI, mà quản lý thông qua số Sê-ri của sản phẩm (Truy cập Cài đặt > Cài đặt chung > Giới thiệu > Số Sê-ri). Sau khi có số Sê-ri của máy, bạn truy cập vào địa chỉ, rồi nhập số Sê-ri của thiết bị vào form nhập liệu để kiểm tra.
Với những máy còn bảo hành, bạn có thể lấy thời hạn bảo hành trừ đi 1 năm để biết thời gian kích hoạt ban đầu của máy (2 năm đối với máy có mua gói gia hạn bảo hành AppleCare+). Cần lưu ý rằng thời hạn bảo hành này là thời hạn bảo hành toàn cầu của Apple, không phải thời hạn bảo hành mà các cửa hàng thỏa thuận khi mua máy.
Kiểm tra các phụ kiện đi kèm theo máy
Khi mua iPhone cũ ở các cửa hàng, thường thì bạn chỉ được kèm những bộ sạc, tai nghe, cáp kết nối “lô” mà ít khi được kèm theo hàng chính hãng. Những loại phụ kiện này có thể gây ra khá nhiều phiền toái cho bạn về sau nếu đó là hàng chất lượng kém. Những lỗi thường gặp có thể thấy như tình trạng pin sạc không đầy, máy nóng, hoặc thậm chí là cháy nổ trong quá trình sạc... Chính vì thế, bạn nên yêu cầu được cung cấp phụ kiện chính hãng, dù có thể nó sẽ khiến mức giá của máy “đội” lên chút đỉnh.
Theo VnMedia