Trước tình hình ngày càng lan rộng của bệnh viêm phổi do virus corona mới, mặt hàng khẩu trang trở nên vô cùng khan hiếm, đặc biệt là những loại khẩu trang được quảng cáo là có thể ngăn chặn virus. Từ đó xuất hiện nhiều vụ việc bán khẩu trang rởm với giá cắt cổ hoặc rao bán khẩu trang nhưng giao hàng là… lá cây.
Cụ thể, ngày 5/2, nhiều người phản ảnh việc bị fanpage Facebook "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam" lừa đảo khi mua hàng online.
Theo đó, trang này bán 30 chiếc khẩu trang 3M 9001v với giá 360.000 đồng, mức giá được cho là rất rẻ so với thị trường trong thời điểm dịch corona.
Chủ fanpage yêu cầu người mua chuyển khoản trước. Sau khi thanh toán, người dùng mới được xem hàng. Số tiền 360.000 đồng được chuyển về ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), chủ thẻ: Đinh Văn Đức, chi nhánh tại Hà Nội.
Tưởng nhận được hàng xịn với giá hàng phổ thông thì không ngờ rất nhiều khách hàng tá hỏa khi bên không chiếc hộp dán băng keo chằng chịt chỉ là những chiếc lá khô.
Một số trường hợp khác “may mắn hơn” nhận được những chiếc khẩu trang vải, giá chỉ vài chục nghìn đồng trên thị trường.
"Tôi đã quay lại trang này, bình luận để cảnh báo những người mua khác về cách buôn bán thất đức của trang này. Tuy vậy, ngay sau đó, bình luận của tôi đã bị xóa, tài khoản bị chặn", K. Thi, người mua hàng của trang này chia sẻ với Zing.
Trong nhiều hội nhóm Facebook, khách mua hàng đã lên tiếng tố cáo, cảnh báo fanpage này. Bên dưới phần bình luận, nhiều tài khoản xác nhận họ cũng là nạn nhân của trang Facebook "Khẩu trang 3M VogMask Việt Nam". Vậy nhưng trên fanpage này, dưới mỗi bài viết vẫn có hàng nghìn lượt like và hàng trăm bình luận.
Video thủ phủ sản xuất khẩu trang lớn nhất miền Bắc làm việc hết công suất
Trước đó cũng đã xảy ra những trường hợp lợi dụng sự khan hiếm khẩu trang mà giở trò lừa đảo. Cụ thể, ngày 5/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ Hồ Thị Thúy (24 tuổi, ngụ xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, Thúy dùng nhiều tài khoản mạng xã hội để lừa bán khẩu trang cho người dân. Theo đó, lợi dụng nhu cầu và tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế phòng chống dịch virus corona, Thúy sử dụng nhiều tài khoản Facebook đăng bài nội dung bán số lượng lớn khẩu trang y tế với giá rẻ.
Vì tin tưởng Thúy nên nhiều người đã nhắn tin đặt mua số lượng lớn khẩu trang. Khi nạn nhân chuyển tiền thì Thúy ngắt liên lạc với họ để chiếm đoạt tiền. Bước đầu, Thúy khai đã chiếm đoạt của hơn 10 người với số tiền hơn 60 triệu đồng.
Lê Lan (Tổng hợp)