Mùa lan trôi về phố

Mùa lan trôi về phố

Thứ 3, 29/01/2013 10:24

Năm nay, lan về phố sớm. Mới có gần sang đầu tháng Chạp mà đường phố Sài Gòn đã rộ sắc màu, chộn rộn những đốm sáng lung linh như sao giữa phố. Con đường đi làm bởi thế mà gần hơn, mà dịu mắt hơn và rồi cũng bất chợt chùng lòng… lại một năm sắp qua, tuổi trẻ cứ trôi vèo vèo, phiêu dạt như những mùa hoa vậy… Tết này, rồi Tết nữa biết có về được quê…

1. Sài Gòn tháng cuối năm. Trong không khí, giữa cái mùi khét lẹt của khói xăng, giữa cái inh ỏi của còi và cái bụi tít mù của từng vòng bánh xe mưu sinh, mùi Tết đã ngửi thấy ở lẩn khuất đó đây. Chùng chình chạy xe giữa phố, cảm giác tiếc nuối đến ngơ ngẩn khi chạm phải cơn gió mùa se se lạnh nơi đất phương Nam. Vậy là chuẩn bị hết năm rồi còn đâu. Mùa này, khắp các ngả đường ngõ ngách thành phố, đâu đâu cũng dễ dàng gặp hình ảnh đẹp đến nao lòng: những giò lan bung sắc lủng liểng treo trên những chiếc xe máy dream cũ kỹ, chạy rù rì, rù rì trên phố. Ông lão 82 tuổi, nơi tôi thuê trọ- người Sài Gòn gốc gác, cười móm mém hãnh diện mà rằng: “Sài Gòn đẹp lắm. Giờ là đỡ rồi chứ trước còn làng hoa Gò Vấp thì ngày Tết đẹp phải biết, cứ như ra ngõ là gặp lan. Ngày Tết trong nhà mà có giò lan, cảm giác lạ lắm nên nhiều nhà thích chơi, vừa sang vừa đẹp lại bền. Cái chính nó khỏe, sống được với đất này…”.

Rồi ông chỉ cho tôi cả một dãy lan treo nơi ban công trên lầu 2. Gần hai chục gốc lan, nào là hồ điệp, nào lan rô, lan hoàng hậu, dạ hương mỹ nhân… những cái tên nghe thì vương giả nhưng lại dễ trồng và hết sức bình dân, được ông tậu về qua bao nhiêu cái Tết… Cứ sáng sớm khi con gà đá của anh choai choai hàng xóm te te cất tiếng gáy cũng là lúc ông dậy tưới cho mấy gốc lan mà ông coi không khác gì tri kỷ. Rồi chiều muộn, mỗi lần tôi đi làm về, dắt xe vào sân, ngước lên đã thấy cái dáng khòng khòng đang chăm chút từng giò lan…Ông nói tuổi già con cháu tối ngày đi làm, chỉ còn biết bầu bạn với lan… mà xót xa, ngậm ngùi… sao như thấy bóng bà, bóng mẹ…

Xã hội - Mùa lan trôi về phố

2. Một buổi quá trưa cuối tháng 11 âm, ngồi trò chuyện với chị Trần Thị Lan lúc chị dừng nghỉ chân bên vệ đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) đối diện với khu trung tâm mua bán Paskon sầm uất, sa hoa, trên đường xe cộ chạy như mắc cửi. Câu chuyện chỉ xoay quanh mùa lan Tết, chuyện cuộc sống, thu nhập rồi chuyện Tết, chuyện quê mà kéo dài đến tận đầu chiều. Chị Lan (mẹ tôi thường nói, phụ nữ mà tên loài hoa thường khổ), quê tít vùng phố Hiến( Hưng Yên), vì gia cảnh nghèo quá lại mắc eo về chuyện chồng con, sống ở quê nghe đủ lời đám tiếu, nên phải tha hương vào đất Sài Gòn, trọ ở khu Gò Vấp lận, lặn lội một mình thân đàn bà hơn chục năm nay. Làm đủ thứ nghề từ thợ hồ đến chạy cây cảnh, bán hoa quả dạo rồi gần Tết là chạy lan. 39 tuổi, cái tuổi chẳng còn mấy mặn mòi về xuân sắc, lại trải qua hai đời chồng, riêng anh thứ hai chẳng cưới xin gì chỉ ở vậy… tưởng lâu bền… rồi là vẫn trắng tay, vẫn lận đận.

Chị kể, hai đời chồng đều lười biếng lại ham cờ bạc, của cải trong nhà cứ đội nón ra đi, lần lượt đều tăm tắp. Nên đã nghèo lại càng nghèo thêm. 2 cô con gái với 2 người chồng, chia tay anh thứ 2, mỗi người nuôi một đứa. Chị nuôi cô đầu đã học lớp 10 giờ đang sống với ông bà ngoại ở Hưng Yên,  anh nuôi cô út học lớp 4 sống ở Thái Bình.  Đường phố bỗng nhiên nhiều bụi, tôi thấy mắt chị đỏ hoe, những giò lan, thi thoảng lại rung lên theo gió…

Hơn 10 năm xa quê mà chỉ dám về thăm con có 1 lần cách đây ngót 5 năm. Tôi hỏi sao chị không về, thế thì con gái chị nhớ mẹ lắm. Chị không trả lời mà hỏi lại tôi, tiền ở đâu mà về hả em. Chất giọng Bắc êm êm mà sao xoáy vào lòng như kim chích. Rồi chị nhẩm tính, mỗi tháng chạy bán hoa quả lời lãi được bao nhiêu đâu mà nào tiền nhà trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền xăng xe vậy mà vẫn thi thoảng thâm vào cái quỹ tiền vốn để bán buôn. Mỗi tháng để ra được 1, 2 triệu gửi về cho con là may lắm. Mà lạy trời, trời thương không cho ốm…

Gần Tết, cứ đến giữa tháng 11 âm lịch, là như đã hẹn với phố vậy, chị lại chạy xe máy xuống vùng Củ Chi, Cần Giuộc rồi Long An, có khi cả Bến Tre lấy hoa lan về bán. Sáng 5h và vội miếng cơm nguội, kỹ lưỡng cái bình tông nước và xuất cơm nắm rồi chạy xe thong dong khắp các con hẻm Sài thành và tối khi cả phố đã lên đèn sáng rực mới trở về. Chị thủ thỉ, cực chút nhưng Tết còn kiếm được. Hoa lan bình dân giá chỉ từ 40 đến 100 ngàn/giò nên cũng dễ bán cho người ta chưng Tết…

Tôi hỏi, Tết này chị có về quê không? Lại ngậm ngùi, chị nói không, để Tết sau về thăm cha mẹ, thăm con rồi sẽ ở lại chơi 1 tháng. Ở lại Sài Gòn, cũng như những giò hoa Tết, cũng khói nhang nhưng chỉ có hoa quả thiếu cả bánh chưng. Chị nói nhiều đêm nhớ con, nhớ quê, nhớ cái lạnh gió mùa đến bật khóc. Nhìn chị với những giò lan tất tả trên phố, lạc giữa những con người, mà biết đâu là những phận đời, nghe xiêu xiêu như cơn gió trở mình trên đất Sài Gòn cuối năm. Thôi thì hẹn Tết sau, đợi cho một năm nữa vuông tròn hanh đạt, để chị giành giụm chút Tiền tàu xe quà bánh về với quê cho đã đời.

3.Theo chân anh Lê Văn Thuận (38 tuổi) chở những giò lan lòng vòng qua bao con phố Sài Gòn, mãi mới thấy anh dừng chân để hỏi chuyện. Cái nắng Sài Gòn ngày cuối năm vớt vát mà nực kinh khủng, như thiêu như đốt. Anh sót ruột: “hoa lan héo vì nắng là bán không có được giá, lại chỉ có lỗ…”.

Quê Đông Anh, Hà Nội, anh cùng vợ vào Sài Gòn đã 12 năm nay, mỗi người mỗi nghề, chị làm công nhân may, anh chạy cây cảnh, giáp Tết lại chạy lan. Còn cậu con trai mới 5 tuổi thì ông bà nội nuôi. Cả một dãy anh trọ ở Q.12, chừng hơn chục người Bắc vào, làm thập cẩm nghề nhưng đến Tết là chạy hoa lan. Anh nói, lan nhà của Việt Nam giờ thực ra người ta cũng không mặn mà như trước nữa. Lan Thái bông vừa to, thân vừa mập lại bền hơn, dù giá có đắt hơn một chút người ta vẫn thích chưng. Nên trên cái xe dream cà tàng của anh, len giữa những giò lan Việt là những chậu lan Thái, để người mua tha hồ lựa chọn. Hỏi anh có tiếc cho lan Việt mình không, anh cười hồn nhiên rằng, mình thì biết gì, chỉ là cái thằng chạy hoa, có tiếc cũng chẳng được gì, cứ bán để mà mưu sinh thôi.

Hai vợ chồng cứ 5h là đã mỗi người một ngả, tối 7, 8h mới gặp, cứ tối mắt tối mũi mà kiếm tiền vậy mà  cũng đã 4 cái Tết ăn xa quê, chênh chao và thiếu thốn vô cùng. Anh nói, không về thì còn giành giụm được thêm một khoản lo cho con bằng bè bằng bạn. Nên dù nhớ, dù khổ cũng chịu được.

Thi thoảng trong buổi trò chuyện, lại có một chiếc xe máy xịch xuống xem hoa, xem chán xem chê, hỏi giá và phóng đi. Nhưng cũng có người phụ nữ mua đến 2 giò hồ điệp. Anh hồ hởi khoe, ngày Tết thì mỗi ngày cũng kiếm được chừng 2 trăm ngàn nhưng sức bỏ ra cũng nhiều hơn.

Cũng như chị Lan, Tết này vợ chồng anh Thuận lại ăn Tết ở Sài Gòn. Vậy là 5 cái Tết liên tiếp xa quê. Tất cả cũng vì cuộc sống phải mưu sinh, dù xuôi dù ngược cũng phải sống cho lương thiện, sống bằng sức lao động của chính mình. Trước khi chào tạm biệt anh nói rằng, chắc năm sau vợ chồng sẽ về. Thấy ông bà nội gọi điện vào kêu mái nhà dột lắm rồi, mùa mưa nước giột tứ tung, tội lắm…Còn thằng bé cứ hỏi khi nào bố về bố mua cho con siêu nhân nhé… Tôi bỗng thấy sống mũi cay xè, cả đoạn đường về nhà như đi trên sóng…

4. Không hiểu sao, tôi luôn thấy ghen tỵ với người Sài Gòn. Họ có cả một thành phố để mà hững hờ, chẳng phải đi đâu mà kiếm sống. Còn với những người con tha hương, nuôi giấc mộng ở cái thành phố mà người ta vẫn hoa mỹ gọi là hòn ngọc Viễn Đông này thì ngày lại ngày, năm lại năm miệt mài làm lụng, suốt cả quãng tha hương cũng chỉ mong đến thắt lòng thắt dạ được ăn một cái Tết quê cho trọn vẹn. Nhưng cũng cảm mến vô cùng, Sài Gòn bao dung quá, chứa trở tất cả những ai, dù sang dù hèn…

Và cũng bởi vậy mà những ngày cuối năm, Sài Gòn mới có những giò lan lăn bánh xuống phố, với ai đó hoài cổ, với ai đó yêu hoa thì nghĩ là làm đẹp cho thành phố. Nhưng với những con người đó, đơn giản chỉ bởi mưu sinh, chắt chiu những đồng lẻ cuối cùng năm cũ chắp vào thêm số tiền đã góp gom cả một năm mà gửi theo đường bưu điện về quê nhà phương Bắc.

Yến Hoa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.