Quốc lộ 7A ách tắc vì cây trên núi đổ xuống lòng đường
Chiều 19/9, ông Lô Văn Thao, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An xác nhận, trên Quốc lộ 7A (đoạn qua địa phận xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) bất ngờ cây trên núi đá gãy đổ sập xuống đường.
Vào khoảng 16h40 ngày 19/9, do ảnh hưởng con bão số 4, trên địa bàn huyện Con Cuông có gió to và mưa lớn.
Hậu quả, tại Eo Vực Bồng (nằm trên tuyến Quốc lộ 7A, thuộc xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) cây và các tảng đá trên lèn đổ xuống đường, trúng vào một chiếc xe máy đang lưu thông.
Trên xe là anh Trần C.T. (SN 1974) và con trai Trần C.D. (SN 2018, trú xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Nạn nhân và chiếc xe mắc kẹt dưới cành cây. Chiếc xe bị hư hỏng nặng, rất may 2 nạn nhân bị thương nhẹ.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân ngay lập tức đã liên hệ với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương để lên phương án cứu hộ.
Do tuyến Quốc lộ 7A là tuyến đường có đông người lưu thông dẫn đến ách tắc tạm thời. Phải đến 17h30 cùng ngày, huyện Con Cuông đã huy động máy múc, xe đầu kéo và lực lượng công an, quân đội khắc phục sự cố thì mới tạm thời thông đường.
Tập trung giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập cục bộ ở Nghệ An
Theo tin dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, từ ngày 19/9 đến ngày 22/9, ở khu vực tỉnh Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng.
Tổng lượng mưa phổ biến: Vùng núi từ 100 - 200mm, có nơi trên 250mm như Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương... Trung du và đồng bằng ven biển từ 150-350mm, có nơi trên 400mm như thành phố Vinh, TX Cửa Lò, Hưng Nguyên...
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi… trên sông, suối khi có mưa lũ hoặc di chuyển vào vùng ngập lũ, hạ du các hồ đập; có phương án đảm bảo an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương tại các khu vực bị ngập lụt.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông; trong phạm vi bảo vệ đê điều biết thông tin về mưa, lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành, phương án ứng phó thiên tai và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.