Có lẽ bắt đầu từ sau năm 2008, ngoài những hàng sấu, hàng me, kem Tràng Tiền, hồ Hoàn Kiếm... thì Hà Nội còn ghi dấu ấn với du khách bởi những con sông trên cạn sau mỗi trận mưa.
Quả đúng vậy, thời gian gần đây, Hà Nội cứ mưa là lụt. Mà cứ lụt xong, chúng ta lại có hàng trăm giải pháp, hàng nghìn kế sách được các chuyên gia và người dân đưa ra để chống lụt trong những trận mưa tiếp theo. Tuy nhiên, sau những “cao kiến” đó thì “lụt vẫn hoàn lụt”, mỗi trận mưa qua đi, người dân vẫn phải “sống chung với lũ” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thoạt đầu, người ta còn thấy bất mãn, ức chế với tình trạng này. Nhưng dần dần, mối quan hệ giữa người dân và lụt lội trở nên hài hòa hơn. Dường như thời gian đã dần tôi rèn cho những người sống ở Hà Nội một sự chịu đựng đáng nể như vậy.
Không chỉ thu hút du lịch, lụt ở Hà Nội còn khiến những nhà thơ ở ẩn phải “phát tác tinh hoa” bằng những vần thơ hài hước, sâu cay nhưng vẫn tràn đầy nhân văn trong từng câu chữ:
“Con đường mà ngỡ sông sâu
Xe đi mà ngỡ như tàu trên sông
Hà Nội trời đổ mưa giông
Phố phường, đường sá cũng không khác hồ...”
“Mới hôm qua ngày hai đứa chúng mình
Anh nắm tay em dưới hàng hoa sữa
Sao bây giờ chẳng thấy đường đi nữa
Lối nhỏ đâu rồi phố đã thành sông
Mình về đâu giữa biển nước mênh mông
Hai đầu phố thành đôi bờ chia nửa
Vào lại ra, ngó đầu rồi tựa cửa
Bằng cách nào để anh đến cùng em...”
Đấy, những vần thơ “xuất thần” như thế làm sao có thể được sáng tác trên những con đường khô ráo, thoáng đãng. Chỉ có những con đường khiến cho người ta vừa khóc, vừa cười mới có khả năng giúp họ "xuất khẩu thành thơ" như vậy.
Thôi thì không khắc phục được, hãy thi vị hóa những trận lụt để thấy niềm vui không chỉ được tìm thấy trong những ngày nắng chan hòa mà còn được tìm ra trong cả những cơn mưa tầm tã.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả