Theo thông báo của Cục Quản lý Khẩn cấp tỉnh Sơn Tây, mưa lớn ở miền bắc đang gây ảnh hưởng nặng nề, khiến tỉnh này buộc phải đóng cửa 60 mỏ than.
Tỉnh Sơn Tây là trung tâm khai thác than lớn nhất Trung Quốc, chiếm một phần tư sản lượng than cả nước. Tình trạng các mỏ khai thác bị ngưng trệ đã đẩy giá than leo thang chóng mặt và làm phức tạp thêm những nỗ lực của Trung Quốc đang cố gắng sản xuất nhiều than hơn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng điện ngày càng nghiêm trọng.
Theo tờ Securities Times - một trong bốn tờ báo tài chính chủ chốt của quốc gia, tỉnh Thiểm Tây đứng thứ ba cả nước về sản lượng than cũng báo cáo mưa lớn và lở đất làm ảnh hưởng đến hoạt động của các mỏ địa phương.
Khủng hoảng điện năng
Giá than nhiệt giao sau, chủ yếu được sử dụng để sản xuất điện, đã tăng lên mức kỷ lục vào hôm thứ Hai ngày 11/10 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Trịnh Châu - tăng 12% lên 1.408 NDT (219 USD)/tấn. Giá đã tăng hơn gấp đôi từ đầu năm đến nay. Than là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc và được sử dụng rộng rãi để sưởi ấm, sản xuất điện và luyện thép. Năm ngoái, than chiếm gần 60% tổng lượng năng lượng sử dụng của Trung Quốc. Khoảng 2/3 sản lượng điện Trung Quốc đến từ việc đốt than.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt ập đến đúng vào lúc Trung Quốc đang cố gắng giảm bớt tình trạng thiếu điện bằng cách tăng cường khai thác than và cho phép các nhà máy nhiệt điện gia tăng sản lượng cung cấp điện. Cuộc khủng hoảng thiếu năng lượng đã lan rộng đến 20 tỉnh của Trung Quốc trong những tuần gần đây, buộc chính phủ phải chia khẩu phần điện trong giờ cao điểm và một số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất. Việc cắt điện này cũng làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người, gây tê liệt sản lượng công nghiệp, đang đè nặng lên triển vọng kinh tế hậu đại dịch của Trung Quốc.
Tại sao Trung Quốc thiếu điện?
Tình trạng thiếu điện là kết quả của một loạt các yếu tố đã gia tăng nhu cầu sử dụng trong khi nguồn cung bị giảm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, mùa hè năm nay nóng hơn bình thường đã thúc đẩy mọi người sử dụng lượng điện năng kỷ lục trong tháng 7. Cơ quan này cho biết mức tiêu thụ điện năng tổng thể từ tháng 1 đến tháng 8 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các nguồn cung năng lượng tái tạo, chẳng hạn như thủy điện, gặp nhiều trở ngại trong sản xuất do hạn hán trong những tháng gần đây.
Ông Wang Xiaogang, một nhà bình luận Trung Quốc, nhận định rằng nguyên nhân nguồn cung sụt giảm do năm 2016 nước này đã quyết định cho đóng cửa hơn 1000 mỏ than, trong một nỗ lực giải quyết tình trạng thặng cung vào thời điểm đó.
Các hạn chế của Trung Quốc đối với nhập khẩu than từ Australia cũng đã làm trầm trọng thêm vấn đề hiện nay. Sau khi Thủ tướng Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch hồi tháng 4/2020, Trung Quốc đã đánh một loạt thuế quan nhằm hạn chế thương mại đối với nước này, bao gồm lệnh cấm nhập cảng than vào tháng 12/2020.
Một nguyên nhân khác là sự bùng nổ khôi phục sản xuất, kinh doanh và xây dựng hậu đại dịch tại Trung Quốc. Trong khi đó, các biện pháp thực hiện nhằm nỗ lực theo đuổi cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 đã khiến hàng trăm mỏ than nước này phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng vào đầu năm nay - khiến giá than tăng cao.
Theo Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc (SCIO): "Kể từ đầu năm nay, giá năng lượng trên thị trường thế giới đã tăng mạnh, trong khi nguồn cung điện và than trong nước vẫn eo hẹp". "Những yếu tố đó đã dẫn đến việc cắt điện ở một số nơi, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và cuộc sống của nhân dân".
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các chính sách để giảm bớt khủng hoảng. Các nhà chức trách ở Nội Mông - tỉnh sản xuất than lớn thứ hai Trung Quốc - hôm thứ Sáu ngày 8/10 đã yêu cầu 72 mỏ tăng sản lượng thêm 98,4 triệu tấn, tương đương khoảng 30% sản lượng than hàng tháng của nước này.
Phạm Thu Thanh (theo CNN)