Vừa trải qua trận lũ, sạt lở lịch sử, nhiều người dân các tỉnh thành miền Trung lại phải đối mặt với cơn bão số 9. Bắt đầu từ sáng 28/10, bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Thời điểm đổ bộ, tâm bão có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 9, suốt đêm 29/10 và rạng sáng 30/10 trên địa bàn Nghệ An mưa to đến rất to. Mưa lớn kết hợp với việc hàng loạt nhà máy thủy điện như Châu Khê, Nậm Mô, Châu Thắng… đồng loạt xả lũ đã khiến nhiều vùng ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên… ngập sâu trong biển nước, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.
Người con xa quê đứng ngồi không yên
4 tiếng không gọi được cho người thân ở Thanh Chương (Nghệ An) Nguyễn Thanh My (đang sống tại Nha Trang) sốt ruột không yên suốt buổi sáng 30/10.
Đăng bài trên trang cá nhân nhờ bạn bè cập nhật tình hình ở quê, dạo các diễn đàn đưa tin địa phương, hễ thấy ai nói ở Thanh Chương, Thanh My đều hỏi thăm xem bão đang thế nào. Đó cũng là những gì chị có thể làm lúc này khi không được ở bên người thân.
"Sáng giờ, tôi đọc tin tức, xem hình ảnh trên mạng ngập lụt với sạt lở đường nhiều quá. Tôi liên tục gọi về cho mẹ mà không được, không biết mất sóng hay mất điện. Tôi run hết cả người, đứng ngồi không yên. Năm nay người dân khổ quá, chưa kịp hoàn hồn sau đợt lũ lịch sử thì bão lại kéo đến", My chia sẻ.
Đến 1h chiều ngày 30/10, người con xa quê cuối cùng cũng liên lạc được cho mẹ sau bao cuộc gọi nhỡ. "Hiện tại, mưa nhỏ, nước không còn dâng. Mọi người trong nhà vẫn an toàn", người mẹ thông báo.
Gọi được về cho người thân, lòng người con xa quê cũng bớt phần nào lo lắng nhưng khi nghe được tình hình quê nhà lòng vẫn như lửa đốt. “Khi nghe được tin như thế, tôi càng lo. Người thân báo không sao rồi mà người vẫn còn run”, My tâm sự.
Mong mọi người đều bình an vô sự
Đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, thời gian này, Lê Tân (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng liên tục gọi về nhà để hỏi thăm tình hình bố mẹ ở Nghệ An. Thế nhưng, Thủy gọi điện cho ai cũng không liên hệ được. “Tôi sốt ruột như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm không yên”, Tân chia sẻ.
Đăng tải lên nhóm đồng hương ở Nghệ An hỏi thăm tình hình quê nhà, Tân nhận được chia sẻ của mọi người do mất điện từ chiều ngày 29/10 nên không liên lạc được cho người thân có thể do điện thoại hết pin. Phan Anh Tú - một người con xa quê chia sẻ: “Bây giờ, không chỉ tôi mà người dân cả nước, đặc biệt là những người con xa quê mong cho mưa bão mau qua, mọi người đều bình an vô sự. Đó là điều quan trọng nhất".
Lúc 15h ngày 30/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa trong 6 tiếng vừa qua tính từ 7h đến 13h ngày 30/10) với lượng mưa phổ biến 30-80mm; riêng phần phía Đông Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất to với lượng mưa 100 – 250mm, có nơi trên 300mm. Một số nơi có lượng mưa lớn như: Hưng Nguyên (Nghệ An) 148.2mm, Thanh Chương (Nghệ An) 110.8mm, Can Lộc (Hà Tĩnh) 273.0mm, Thạch Hà (Hà Tĩnh) 342.2mm, TP. Hà Tĩnh 281.4mm, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) 265.8mm…
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, nên trong đêm nay và sáng ngày mai (31/10) ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 80-180mm; riêng Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 300mm. Từ chiều mai mưa giảm dần.
Từ nay đến ngày 31/10, ở các tỉnh/thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có mưa rất to với lượng mưa từ 150-300mm, có nơi trên 400mm. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.
Phong Linh