Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với hoàn lưu của áp thấp nhiệt đới, trong các ngày 13 - 15/10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung (từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế) đã có mưa to đến rất to, nước lũ lên nhanh khiến nhiều địa phương bị ngập sâu trên diện rộng.
Tại Hà Tĩnh, tính đến 15h chiều ngày 15/10, mưa lớn đã gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số dân bị ngập là 24.158 hộ.
Mưa lũ cũng gây ách tắc một số tuyến giao thông như: QL 15B, QL 15, các tuyến đường liên tỉnh khác.
Thống kê thiệt hại về người, toàn tỉnh có 2 người chết. Nạn nhân là anh Trần Văn Trung (SN 1985), trú thôn 6, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên. Anh Trung bị đuối nước do sẩy chân trong lúc sang giúp hàng xóm di dời tài sản. Nạn nhân thứ 2 là chị Nguyễn Thị Loa (SN 1982), ở khối phố 1, phường Đại Nài, bị đuối nước do lật thuyền.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến 1 người mất tích là anh Thân Văn Thuần (SN 1986), trú thôn Chi Lễ, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Anh Thuần bị nước cuốn trôi sau khi sẩy chân tại kênh Lim Cảm.
Bên cạnh đó, mưa lũ cũng khiến hàng nghìn hecta lúa, hoa màu bị ngập và hư hại; khoảng 3.170m3 đất đá bị sạt lở; 16 cầu cống bị xới lở, hư hỏng; 195 tấn vật tư công trình bị hư hỏng, cuốn trôi.
Về tình hình xả lũ, Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ với lưu lượng 500m3/s – 1.800 m3/s (lúc 6h sáng ngày 15/10, xả lũ với lưu lượng 500m3/s); hồ Bộc Nguyên xả lũ với lưu lượng 150 m3/s - 200 m3/s, hiện đã đóng tràn; hồ thượng Sông Trí xả lũ với lưu lượng 100m3/s, hồ Tàu Voi xả lũ với lưu lượng 10m3/s, hồ Kim Sơn xả lũ với lưu lượng 30m3/s.
Tại Quảng Bình, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, đến 17h ngày 15/10, toàn tỉnh có 12 người chết và mất tích, 13 người bị thương.
Các trường hợp bị chết trong mưa lũ, gồm: ông Lê Văn Thân (SN 1968), ở thôn 7, xã Lý Trạch; Nguyễn Gia Bảo (SN 2012), ở thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch; Hồ Thị Long (SN 2003), người dân tộc Vân Kiều, ở bản Rào Con, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch; Nguyễn Thị Dương (SN 1939), ở phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn; Võ Thị Lài (SN 1966), xã Võ Ninh, Quảng Ninh; Hà Xuân Thanh (SN 1992), ở xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh; Trần Thanh Văn, 40 tuổi, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy; Nguyễn Văn Sự (SN 1971), xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới; Trương Hoài Nam, 14 tuổi, học sinh lớp 8, con ông Trương Thanh Đông và bà Hồ Thị Tình, trú tại xóm 6, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, do bị sẩy chân xuống đập Mụ Thao và bị chết đuối vào lúc 11 giờ ngày 15-10.
3 người bị mất tích là ông Thái Xuân Năng (62 tuổi), thôn 3 Yên Thọ xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa; anh Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, quê quán xã Hóa Hợp, tạm trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa), lúc bơi qua ngầm tràn để đưa một phụ nữ chuẩn bị sinh qua thì bị nước cuốn trôi và cháu Phạm Hoàng Phương (SN 2006), thị trấn Hoàn Lão, Bố Trạch bị nước cuốn trôi.
Mưa lũ đã làm 13 người trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Bố Trạch và Tuyên Hóa bị thương.
Ngoài ra, tàu Cảng vụ đã cứu vớt được 6 người trên biển, và đã chuyển đến Trạm bờ Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) để sơ cứu.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 71.192 hộ bị ngập, 59 hộ bị tốc mái; khoảng 30 – 40 tàu cá bị đứt dây neo trôi ra mắc kẹt tại cửa biển (có nhiều tàu bị chìm), có 7 tàu hàng đang neo đậu tại cửa Gianh bị đứt neo và mắc kẹt. Hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Ghi nhận tại Nghệ An, đến 19h ngày 15/10, mưa lụt trên địa bàn đã làm 2 người chết, gây ngập lụt gần 2.900 hộ dân và nhiều hoa màu tài sản.
2 người chết là anh Nguyễn Vĩnh Hà (SN 1971), trú tại xóm 16, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành bị nước cuốn trôi lúc 15h ngày 15/10 và em Phạm Ngọc Hoàng (13 tuổi), trú xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, bị nước cuốn trôi trên đường đi học vào sáng cùng ngày.
Về giao thông, thủy lợi: Sạt lở đoạn qua Rú Nguộc (Thanh Chương) trên Quốc lộ 46 : 250 m3; Kè Hưng Lĩnh tại vị trí K70+299 đến K70+799 thuộc hệ thống đê Tả Lam bị sạt lở; Sạt lở bờ sông đoạn xã Thanh Chi dài 150, thuộc hệ thống đê Hữu Thanh Chương; Kênh mương thủy lợi bị sạt lở: 2.500 m và nhiều hộ đập nhỏ bị ảnh hưởng.
Tại Thừa Thiên – Huế trước đó cũng ghi nhận 1 người dân trú tại xã Phú Hải, huyện Phú Vang bị tử vong khi sửa mái tôn và 1 phụ nữ trú tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang bị mất tích do lật thuyền.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La (Nghệ An) vẫn đang tiếp tục lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu, sông Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) đang xuống dần.
Dự kiến, sáng ngày 16/10, mực nước trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức 4,5m, dưới mức báo động 1 là 0,9m; sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ xuống mức 12,7m, trên báo động 2 là 0,7m; tại Hòa Duyệt ở mức 10,5m (báo động 3); sông La tại Linh Cảm lên mức 4,2m, dưới báo động 1 là 0,3m; sông Gianh tại Mai Hóa xuống mức 4,5m, dưới báo động 2 là 0,5m; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,7m (báo động 3). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3.
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, trên biển cơn bão Sarika đã mạnh thêm 1 cấp, lên cấp 13, giật cấp 16 - 17. Tâm bão lúc 13h cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 280km về phía Đông Nam. Dự báo 24 giờ tới, bão sẽ đi với tốc độ 20 - 25km/h theo hướng Tây Tây Bắc, khả năng sáng 16/10 sẽ đi vào Biển Đông. Đến 13h00 ngày 16/10, tâm bão sẽ cách huyện đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Cường độ bão cấp 12, giật cấp 14 - 15. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão đi với tốc độ 20km/h theo hướng Tây và có khả năng mạnh thêm. Đến 13h00 ngày 17/10, tâm bão sẽ ở trên vùng biển phía Đông huyện đảo Hoàng Sa. Cường độ bão mạnh lên cấp 13, giật cấp 15 - 16. Dự báo 48 - 72 giờ tiếp theo, bão sẽ đổi hướng thành Tây Tây Bắc. |
PVMT