Trước tình hình ứng phó với mùa mưa bão năm 2017, chiều 25/7, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kon Tum tổ chức họp báo thông tin về việc kiểm định an toàn hồ đập trên địa bàn.
Tại cuộc họp báo, PV đặt câu hỏi: "Hiện tại đang là thời điểm đầu mùa mưa nhưng có tình trạng hàng loạt hồ đập thủy lợi không được kiểm định an toàn, phải chăng việc kiểm định an toàn là không cần thiết?".
Trả lời câu hỏi này, chủ trì của họp báo ông Văn Tất Cường, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum khẳng định: "Việc đảm bảo an toàn và công tác kiểm định hồ chứa là vấn đề hết sức cần thiết".
Theo ông Cường, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, hàng chục hồ chứa có dung tích nhỏ hầu hết chưa được kiểm tra, đánh giá dòng chảy. Bởi, đa số các hồ chứa đều của các nông, lâm trường bàn giao lại nên không có hồ sơ. Theo quy định, đơn vị quản lý phải bỏ tiền ra nhưng đây là đơn vị quản lý sự nghiệp chưa được hạch toán riêng nên thiếu kinh phí.
Theo báo cáo của sở NN&PTNT, địa bàn tỉnh Kon Tum có 80 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ. Trong đó, 71 hồ chứa do ban Quản lý – Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum quản lý thì 17 hồ chứa trên 1 triệu m3 nước và hồ chứa Đắk Uy, huyên Đắk Hà với dung tích lớn gần 30 triệu m3.
Tính đến thời điểm ngày 25/7, mới chỉ có 27/80 hồ đăng ký an toàn đập. Các hồ còn lại vẫn đang tiếp tục kiểm tra hiện trạng để kê khai đăng ký an toàn đập. 14 hồ chứa bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn đang được thuê tư vấn lập dự án và đánh giá an toàn đập với tổng kinh phí dự toán 265 tỷ đồng.
Điều đáng lo ngại có 34 hồ đã đến kỳ phải tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Hiện tại, hồ chứa Đắk Rơn Ga, huyện Đắk Tô (dung tích trên 5 triệu m3 nước) chưa lập phương án bảo vệ công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, 12 hồ chứa xây dựng quy trình vận hành điều tiết được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt. Các hồ đang tràn tự do, trước mắt xây dựng tạm thời các quy định về vận hành công trình trong mùa mưa bão.
Đối với các đập lớn, ngoài hồ chứa Đắk Uy, huyện Đắk Hà có hệ thống quan trắc tự động, việc quan trắc chuyển vị đập, diễn biến nứt nẻ, sạt trượt tại thân và nền đập… đơn vị quản lý chỉ kiểm tra trực quan, ghi lại vào nhật ký công trình.
Riêng việc quan trắc thấm, các công trình xây dựng từ lâu, không bố trí hệ thống quan trắc dòng thấm qua thân đập nên không thể quan trắc được mà chỉ theo dõi trực quan tại điểm chân ra của dòng thấm ở các vật thoát nước hạ lưu đập.
Chi cục Thủy lợi Kon Tum đánh giá một số đập nhỏ có vết nứt cũ, một số đập bị biến dạng phần mái đập, phần lát đá khan mái thượng lưu, do được đấp bằng đất nên có hiện tượng bị thấm qua nền và thân đập.
Đáng chú ý, hồ chứa Đắk Trang, huyện Tu Mơ Rông, bị thấm mạnh qua vai tả đập và sẽ được khắc phục ngay trong năm nay. Một số hồ nhỏ khác bị thấm thành dòng qua thân đập. Nhiều hồ chứa khác có tràn xả lũ bị hư hỏng, trong đó hồ Chà Mòn tường bên và đáy thân tràn bị bong tróc, xối lở nhiều chỗ cần phải xử lý gấp.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Kon Tum cũng đã có văn bản chỉ đạo chủ động cân đối ngân sách để kiểm định. Xét về lâu về dài, tất cả phải được tiến hành kiểm định theo quy trình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo trong năm 2017, chọn một số hồ để thực hiện.
Hồ Nam