Về làng nghề đúc đồng có lịch sử hơn 200 năm Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) vào những ngày giáp Tết, PV Người Đưa Tin được người dân cho biết, thời điểm này mọi năm những lò đúc đồng ở đây đã nghỉ. Tuy nhiên, năm nay do mưa nhiều nên đến giờ vẫn còn lò đúc “đỏ lửa”.
Tranh thủ những ngày nắng, người dân đúc những mẻ đồng cuối cùng trước khi nghỉ Tết. Nhưng, hiện nay các sản phẩm đúc ra cũng chỉ có thể cất giữ trong kho chứ không thể gia công kịp cho vụ Tết năm nay.
Tại lò đúc đồng của ông Bảy Tuấn, những công nhân đang tất bật nấu những mẻ đồng và nung khuôn. Chốc chốc, các công nhân lại đổ đồng vào lò để nung chảy, châm thêm củi để độ nóng được duy trì ổn định... Dưới trời nắng, nhiệt độ lò đúc cao nhưng các công nhân vẫn chăm chú theo dõi để công việc diễn ra liên tục.
Theo ông Tuấn, so với năm ngoái thì vụ Tết năm nay sản phẩm bán ra được nhiều hơn. Tháng Chạp này, tranh thủ những ngày có nắng lò đã đúc được 10 mẻ đồng để có sản phẩm cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, vì mưa liên tục nên bị ảnh hưởng rất nhiều. Bên cạnh đó, do giá nguyên liệu tăng nên sản phẩm bán ra cũng tăng từ 200.000 – 300.000 đồng/bộ.
Hiện nay, trong làng có khoảng 40 hộ dân làm nghề. Số hộ làm khuôn, nấu đồng, đổ đồng cho tới khi ra sản phẩm chiếm 1/3, còn lại các hộ khác chỉ nhận gia công sản phẩm. Thời điểm này, chỉ còn số ít hộ đang thực hiện gia công những bộ chân đèn trước đó để kịp giao cho khách hàng, còn lại chủ yếu nhận đánh bóng sản phẩm cũ.
Theo người dân địa phương, một bộ đèn thờ cúng làng thường sản xuất bao gồm 2 chân đèn, 1 bát hương, 2 đài nước, 1 quả bồng. Mỗi bộ chân đèn có giá từ 3-4 triệu đồng tùy vào kích thước lớn nhỏ. Ngoài ra, người dân trong làng cũng làm thêm các đồ vật theo yêu cầu của khách hàng như bình hoa, tượng Bác Hồ, các vật dụng thờ cúng, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày… Các sản phẩm của làng có mặt ở hầu khắp các tỉnh từ Thừa Thiên Huế vào đến Bình Thuận và ở cả Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Ông Biện Cư, nghệ nhân đúc đồng ở Phú Lộc Tây, cho biết: “Để tạo ra một sản phẩm, người thợ đúc đồng phải trải qua nhiều công đoạn gồm làm khuôn đúc; nung khuôn, nấu đồng và rót đồng vào khuôn; gia công (cắt, gọt, tiện, làm gai, đánh bóng…) để hoàn chỉnh sản phẩm. Vì vậy, những mẻ đồng đang đúc hiện nay, sản phẩm làm ra cũng chỉ để dành lưu trữ trong kho bán sau Tết vì không kịp gia công”.
Theo ông Cư, từ tháng 11 âm lịch đến nay cứ mưa suốt nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc sản xuất vụ Tết của làng nghề. Do mưa nhiều nên các lò đúc không thể thực hiện đúc được dẫn đến sản phẩm làm ra ít, không đủ cung ứng cho thị trường dịp Tết này.
“Dù gia đình tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm bán được nhưng không đủ hàng để giao. Nếu họ đặt 50 bộ thì chỉ giao được khoảng 10-20 cho mỗi mối hàng, giải quyết mỗi nơi một ít chứ không thể giao đủ số lượng”, ông Cư cho biết.
Đang loay hoay gia công những sản phẩm cuối cùng để kịp giao cho khách hàng, ông Trần Thiện, cho biết tiền gia công cho một bộ chân đèn năm nay khoảng 350.000 đồng/bộ, tăng 50.000 đồng so với năm ngoái. Sản phẩm bán được hơn nhưng vì mưa nhiều các lò đúc không đúc được nên người gia công cũng không có nhiều hàng để làm. Và cũng vì sản xuất muộn nên hiện nay, ông đang phải gấp rút hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách.
Bên cạnh đó, lao động làm công tại các lò đúc, làm khuôn cũng cho biết do mưa nhiều nên vụ Tết năm nay không có nhiều việc để làm. Anh Trần Văn Nhựt, một người thợ làm khuôn cho biết: “Làng nghề sản xuất quanh năm nhưng thông thường, vào đầu tháng Chạp, công việc cho vụ Tết sẽ nhiều hơn. Công làm khuôn mỗi ngày 200.000 đồng/ngày nhưng vụ Tết năm nay nghỉ nhiều hơn làm”.
Theo người dân địa phương, công việc chính chỉ thực hiện đến khoảng 25 tháng Chạp là sẽ nghỉ. Còn hiện nay, đa phần các hộ trong làng đang nhận đánh bóng các bộ chân đèn cũ cho khách trong dịp Tết.
Clip: Tranh thủ những ngày nắng, người dân làng nghề đúc đồng sản xuất
Châu Tường