Sâm cau tốt hơn cả Viagra?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, yếu sinh lý ở nam giới là căn bệnh khá phổ biến hiện nay. Tại các phòng khám nam khoa, bệnh nhân tìm đến thăm khám, tư vấn khá lớn. Giáo sư Trần Quán Anh cho hay, căn bệnh này không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại là nỗi ám ảnh đối với nam giới, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, hạnh phúc mỗi gia đình.
Cũng theo chuyên gia nam học này, trước đây bệnh yếu sinh lý thường suy giảm theo độ tuổi nhưng ngày nay tình trạng này lại diễn ra khá phổ biến đặc biệt xảy ra ở lứa tuổi thanh niên. Do căn bệnh này ngày càng gia tăng, có cung ắt có cầu, các loại “thần dược” tăng cường sinh lý được chào bán nhan nhản trên thị trường.
Theo ghi nhận của PV, sâm cau đang được quảng cáo là “thần dược” khiến quý ông sung mãn. Chị Lê Thanh (Hà Đông, Hà Nội)- chuyên cung cấp sâm cau cho biết, sâm cau có công dụng tốt hơn cả các loại thuốc tăng cường sinh lý.
Cũng theo chị Thanh, sâm cau là vị thuốc quý từ thiên nhiên, đặc biệt sâm cau Hòa Bình là có giá trị nhất và có công dụng điều trị liệt dương, xuất tinh sớm, dinh tinh, mộng tinh. Giúp tăng cường chức năng sinh lý, thăng hoa trong chuyện chăn gối. Giá loại sâm này dao động từ 180- 200 nghìn đồng/kg.
Để thuyết phục khách, chị Thanh còn tiếp thị với lời có cánh: “Sâm cau có tác dụng tăng cường miễn dịch, nâng cao khả năng thích nghi của cơ thể trong điều kiện thiếu ô-xy; có tác dụng như hormone sinh dục nam. Chỉ cần uống rượu ngâm sâm cau hoặc sắc nước uống hàng ngày sẽ có công dụng tức thì”.
Rễ cây giáng ông “độ lốt” sâm cau
Theo tìm hiểu của PV, người bán sâm cau quảng cáo có công dụng như một thần dược nhưng trên thực tế người dân lại không biệt phân biệt đâu là sâm thật, sâm giả.
Trao đổi với PV, lương y Vũ Quốc Trung cho hay, trong Đông y, sâm cau có vị thơm nhẹ, tính ấm, có tác dụng làm ấm thận, mạnh gân cốt, trừ hàn thấp. Chữa trị liệt dương, yếu sinh lý, tinh lạnh, chân tay, lạnh, lưng lạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là một vị thuốc chứ không phải cứ uống sâm cau là chữa khỏi yếu sinh lý.
Tuy nhiên, theo lang y Dương Trung Kiên (Thái Nguyên), sâm cau đang được bán trên thị trường phần lớn là cây giáng ông (rễ màu đỏ, người ta hay gọi là sâm cau). Tuy nhiên, về công dụng, cây giáng ông cũng là một loại dược liệu, người ta thường dùng thân cây với tác dụng cầm máu, tiêu viêm, lá còn nhuộm màu xanh làm bánh đúc. Ở Thái Lan y học cổ truyền người ta dùng như huyết giác chứ không có công dụng chữa yếu sinh lý.
“Hiện trên thị trường, người bán rao cây giáng ông là sâm cau để trục lợi. Giá của sâm cau thật là 120-180 nghìn đồng/kg (khô), sâm cau tươi có giá 40-60 nghìn đồng/kg còn cây giáng ông là 12 nghìn đồng/kg. Vì thế, nếu sử dụng giáng ông vào múc đích chữa yếu sinh lý sẽ vô cùng nguy hiểm và nhiều quý ông sẽ “sốc” vì bị lừa!”.
N.Giang