Người bán dễ dàng, người mua "dễ tính"
Thời gian qua, hình thức bán thuốc, thực phẩm chức năng (TPCN) trên các nền tảng mạng xã hội và livestream trở nên phổ biến. Người bán dễ dàng, người mua cũng "dễ tính", chỉ thông qua những lời quảng cáo và phản hồi từ các bình luận là sản phẩm có thể đến tay người bệnh.
Ghi nhận của báo Sức khỏe & Đời sống tối 14/1, trên mạng xã hội Tiktok có tới hơn 100 livestream bán hàng là thuốc, TPCN. Trong những livestream này có đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng, từ cá nhân, người nổi tiếng cho đến những người mặc áo blouse trắng giống dược sĩ... khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng vào các loại thuốc, TPCN được chào bán.
Thực tế hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,... người dùng không khó để tiếp cận các sản phẩm y dược. Không chỉ các nhà thuốc đẩy mạnh bán hàng online, nhiều cá nhân cũng công khai vi phạm, chào bán các loại thuốc theo quy định phải có bác sĩ kê đơn mới được bán.
Mỗi ngày có hàng nghìn đơn hàng là thuốc, thực phẩm chức năng được các "chiến thần" livestream, "thần y" hay dược sĩ "tự xưng" chuyển đến tay người tiêu dùng mà không thông qua bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào về chất lượng. Do đó, thời gian qua đã có không ít người "tiền mất, tật mang" vì tin theo những lời quảng cáo, mua thuốc trên mạng xã hội để tự điều trị tại nhà.
"Bệnh nhân bị sốt, chưa được chẩn đoán nguyên nhân cụ thể nhưng nghĩ mình bị cúm nên đã mua thuốc Tamiflu từ một tài khoản Facebook để uống. Sau 5 ngày tự điều trị, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, mạch nhanh, chẩn đoán: sốc do sốt xuất huyết. Đây là trường hợp cụ thể liên quan đến việc tự chẩn đoán, tự mua thuốc trên mạng", BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị nói với BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một điển hình khác là với mục đích tăng cường trí nhớ, tập trung trong giai đoạn ôn thi, không ít phụ huynh cũng đã tự mua các loại thuốc bổ não được rao bán trên mạng với nhiều công dụng bị thổi phồng giống "thần dược" cho con mình, như tập trung siêu cao độ, thuốc thông minh, hack não siêu trí nhớ… Các loại thuốc phổ biến được tìm mua dễ dàng trên mạng như thuốc Ritalin, Modafinil.
Tuy nhiên, cả 2 loại thuốc này đều là thuốc phải kê đơn, tức là khi mua thuốc hoặc bán thuốc phải có đơn của bác sĩ chỉ định. Nếu sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe, nhất là sử dụng cho trẻ em, đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tình trạng này đã và đang dẫn tới vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ của cộng đồng, đó là kháng kháng sinh. Ước tính đến năm 2050, số người tử vong trên thế giới vì kháng kháng sinh có thể lên đến 10 triệu người.
Cần sớm có cơ chế kiểm soát
Theo VOV, việc bán các mặt hàng y tế, nhất là thuốc trên mạng xã hội hay livestream khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát về nguồn, chất lượng sản phẩm cũng như người bán. Chỉ có kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật - giả. Tuy nhiên, việc này cần một khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết về rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc giả trên thị trường hiện nay: "Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các mặt hàng được mua bán công khai trên các trang mạng dẫn tới người mua, người tiêu dùng lựa chọn sử dụng thuốc mà không thông qua bác sỹ kê đơn; đôi khi tự tra cứu tên thuốc, công dụng của thuốc rồi tự đặt mua thuốc dẫn tới vô hình chung đã tiếp tay cho việc tiêu thụ cũng như lan truyền thuốc giả, thuốc kém chất lượng".
Trong khi đó, những đường dây sản xuất thuốc có hoạt động tinh vi, địa bàn rộng lớn, thậm chí đặt máy chủ tại nước ngoài nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Trung tá, TS Nguyễn Thị Thanh Thùy, Học viện An ninh Nhân dân đánh giá về vấn đề này: "Dù lực lượng chức năng đã rất cố gắng, huy động nhiều lực lượng để dẹp thuốc giả trên mạng xã hội nhưng nó vẫn gia tăng bởi nó xuất phát từ tính ẩn danh trên mạng xã hội. Các đối tượng rao bán không rõ địa chỉ cụ thể nào, các thông tin, địa điểm, cơ sở giả nên để cơ quan chức năng để truy nguyên ra đối tượng không phải dễ nên các đối tượng không chỉ lừa 1 lần mà còn nhắm tới hàng trăm người, thu lợi bất chính số tiền rất lớn mà chưa bị phát hiện".
Trước thực trạng thuốc được rao bán tràn lan trên mạng và các sàn giao dịch điện tử, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin rộng rãi để người dân không mua thuốc trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp. Còn Bộ Thông tin - Truyền thông có giải pháp yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có trách nhiệm kiểm soát, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, dù hiện đã có các quy định về điều kiện bán thuốc, tư vấn, đặc biệt là không được phép bán thuốc kê đơn online nhưng thực tế rất khó để kiểm soát vấn đề này. Để quản lý tốt quy trình này cần có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông vào các khâu của việc phân phối thuốc đến người tiêu dùng:
"Đòi hỏi công tác quản lý không chỉ có ngành đơn lẻ mà phải có sự phối hợp, phải có các tổ liên ngành và cơ chế phối hợp mới có thể xử lý được. Bán thuốc trên không gian mạng tất yếu sẽ diễn ra và trong tương lai sẽ càng phổ biến, vấn đề là công tác quản lý, bố trí lực lượng để thẩm tra, kiểm tra, xác minh ra sao. Chúng ta phải hoàn thiện chính sách để đảm bảo phát hiện kịp thời và kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này".
Theo Sức khỏe & Đời sống, vừa qua Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương), nhưng không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược theo các hình thức này phải tuân thủ pháp luật về giao dịch điện tử, quảng cáo, bảo mật thông tin, tư vấn, giao hàng,...
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho rằng, việc bổ sung những quy định này là cần thiết, đảm bảo giám sát được quy trình, chất lượng thuốc bán ra thông qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, hạn chế rủi ro tiềm ẩn từ những tài khoản bán thuốc không rõ nguồn gốc trên các nền tảng mạng xã hội.
"Các quy định chi tiết có thể cần thêm thời gian để khi ban hành đảm bảo sát với thực tiễn, tuy nhiên các đề xuất của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược đã quy định rõ hơn về quy trình, cách thức bán thuốc thông qua hệ thống thương mại điện tử. Đặc biệt, quy trình này có sự tham gia của Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông vào các khâu của việc phân phối thuốc đến người tiêu dùng. Điều này sẽ đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn về chất lượng thuốc, việc thực hiện quy định của các cơ sở bán thuốc, đồng thời tránh thất thu thuế đối với Nhà nước", luật sư Quách Thành Lực cho hay.
Minh Hoa (t/h)