Đến 20h ngày 15/11, miền Trung vẫn mưa nặng hạt. Nước ở các con sông tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam tiếp tục dâng cao. 5 người chết, 2 mất tích trong lũ dữ.
Mưa như trút nước trên toàn miền Trung, nước ở các con sông tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam tiếp tục dâng cao, có nơi trên báo động 3. Hơn 25.000 người dân có nhà dọc sông Vệ và Trà Khúc phải sơ tán đến những nơi an toàn, 8 người chết, giao thông chia cắt và hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm.
Nước ngập gần tới mái nhà tại Quảng Ngãi
Tại Quảng Ngãi: Mưa lũ ngang với đỉnh lịch sử
Huyện Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi lượng mưa lên đến 600mm, lũ trên sông Trà Khúc và sông Vệ đang ở mức báo động 3 khoảng 1,5m, xấp xỉ mức lũ lịch sử năm 1999.
Hơn 3.000 hộ dân ở các xã của huyện Ba Tơ như Ba Vì, Ba Xa, Ba Ngạc, Ba Nam, Ba Lế, Ba Động bị cô lập. Cầu treo Tân Long Thượng, xã Ba Động, bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Hàng chục nghìn nhà dân nơi đây bị lũ nhấn chìm sâu từ 2 đến 6m, một số vùng ở xã Ba Vì cũng bị lũ nhấn chìm đến tận nóc nhà.
Quảng Ngãi đã phải di dời hơn 7.000 hộ dân với khoảng 22.000 nhân khẩu ở các địa phương ven sông Trà Khúc, sông Vệ đến nơi an toàn. Tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã sơ tán thêm 600 hộ với hơn 3.500 người dân đến nơi an toàn. Hàng nghìn học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Lốc xoáy cường độ mạnh đã cuốn em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Nghĩa Hành, đang trên đường đến trường, rơi xuống vực bên cầu Dài và tử vong.
Tại Huế ngập lụt toàn thành phố
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với vùng nhiễu động trong đới gió đông trên cao, cùng không khí lạnh từ phía bắc tăng cường xuống thành phố Huế đã có mưa rất to, gây ngập lụt toàn thành phố.
Ở các tuyến đường lớn chưa hề xảy ra ngập lụt như Nguyễn Huệ, Lê Lợi… nhưng trong đợt này đều bị ngập chìm trong nước từ 0,5 - 1,5 mét, các tuyến đường thường xuyên ngập lụt như Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám... đều chìm trong biển nước khiến giao thông đi lại khó khăn, người dân đang khẩn trương di tán khỏi nơi bị ngập.
Mưa như trút nước khiến các con đường tại TP Huế ngập lụt
Tại Quảng Nam: Thủy điện Sông Tranh 2 đã qua ngưỡng tràn và đang xả xuống hạ du
Nhiều khu vực dân cư trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, TP Hội An đang bị ngập lụt. Mực nước đổ về hồ thủy điện Sông Tranh 2 lớn nhất kể từ khi xảy ra các sự cố chống thấm, đã qua ngưỡng tràn và đang xả xuống hạ du.
Nước lũ làm ngập sâu ngầm sông Trường nằm trên tuyến giao thông huyết mạch ĐT 615 từ TP.Tam Kỳ đi các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, làm cho huyện Nam Trà My và xã Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Trà Ka (Bắc Trà Mỳ) bị cô lập hoàn toàn.
Tại TP Hội An - vùng hạ lưu sông Thu Bồn, từ chiều 15/11, nước từ sông Hoài đã tràn qua đường Bạch Đằng ven sông. Đến đêm 15/11, nước đã tràn qua các tuyến đường ngang rẽ từ đường Bạch Đằng tràn qua đường Nguyễn Thái Học. Đến 23h đêm 15/11, theo ghi nhận của PV tại Hội An, nước ngập trên đường Nguyễn Thái Học ở mức 30-40cm.
Nước ngập cầu Sông Ngang.
Tại Bình Định: 4 người chết do mưa lũ
Lũ lớn và lên nhanh bất ngờ nên nhiều gia đình không kịp trở tay, nhiều tài sản, vật dụng bị nước lũ cuốn trôi. Cây cầu bắc qua suối Cát có vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng trên địa bàn huyện vừa được khánh thành năm ngoái đã bị nước lũ cuốn trôi.
Nước lũ chảy quá mạnh làm một số đoạn đê sông Hà Thanh (huyện Tuy Phước, Bình Định) bị vỡ làm hơn 100 hộ dân ở thôn Cảnh An (xã Phước Thanh) và hơn 20 hộ dân ở thôn Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì) bị cô lập hoàn toàn. Hiện lực lượng công an quân đội đang tiến hành tiếp cận và di tản khẩn cấp các hộ dân này.Nước ngập tại cầu Sông Ngang
Nước ở các con sông ông Kỳ Lộ, sông Ba (Phú Yên) dâng cao ngập cầu La Hai (Đồng Xuân) gần 1m. Mọi phương tiện qua đoạn đường này bị phong tỏa, người dân phải đi vòng qua các nơi khác. Nước chảy mạnh cũng đã làm vỡ bờ bao Suối Tre (xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu), nhiều nhà dân bị ngập nặng.
Hơn 1.500 căn nhà bị ngập nước, trong đó có nhiều căn nhà bị ngập sâu. 128 đập bổi, đập tạm bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, 7 đập kiên cố bị sạt lở, đã có 4 người chết, mất tích do mưa lũ gây ra.
Tại Giai Lai, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (giáo viên hợp đồng Trường mầm non xã Kông Lơng Khơng) và một giáo viên khác đang trên đường từ thị trấn huyện Kbang vào xã Kông Lơng Khơng để đi dạy, khi đi qua đến một ngầm nước đoạn qua xã Đông thì nước đổ về bất ngờ khiến hai cô giáo bị cuốn trôi. Thi thể cô Nga đã được tìm thấy nhưng giáo viên còn lại thì đang mất tích. Tại Khánh Hòa, anh Nguyễn Xuân Hùng (31 tuổi, ở P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang) vào sáng 14/11, đi xuồng máy đến khu vực Hòn Mát (P.Vĩnh Hòa) để lặn bắt tôm hùm bị nước cuốn trôi mất tích. Tại Kon Tum, vào sáng nay (15/11), chị Y Hiên (38 tuổi, trú xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) trên đường đi làm rẫy về bị nước lũ đổ về và cuốn mất tích. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể nạn nhân. |
Linh Sang (tổng hợp)