Vé máy bay Tết chạm mức giá trần
Từ tháng 9 đến đầu tháng 10/2018, các hãng hàng không đã chính thức mở bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên tất cả các đường bay nội địa.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng này dự kiến mở bán 2 đợt vé máy bay Tết. Trong đó, số ghế mở bán đợt 1 từ 20/1 - 19/2/2019 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) dự kiến là 1,4 triệu ghế, tăng hơn 100.000 ghế (khoảng 566 chuyến bay), tương đương tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, Jetstar Pacific cũng đã mở bán tổng cộng gần 600.000 chỗ (3.210 chuyến bay) để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách. Hãng Vietjet Air cũng đã mở bán hàng triệu vé máy bay Tết Nguyên đán 2019.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, những ngày đầu mở bán vé Tết, giá vé máy bay đã tăng mạnh. Anh P.V.T. (ngụ Quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Nắm thông tin các hãng hàng không mở bán vé Tết, tôi tranh thủ lên mạng tìm mua sớm để có được vé giá rẻ. Tuy nhiên, năm ngoái tôi mua vé khứ hồi chặng TP.HCM - Hà nội (SGN – HAN) chưa tính thuế phí chỉ hơn 4 triệu đồng. Vậy mà, năm nay đặt sớm hơn nhưng giá đã lên tới mức gần 6 triệu đồng chưa kể thuế phí".
Theo đại diện các hãng hàng không, ngành hàng không Việt Nam có đặc thù là tuyến bay TP.HCM đi Hà Nội sẽ rất đông đúc vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, giá vé sẽ tăng theo quy luật cung cầu. Về giá vé máy bay, các hãng chia sẻ vẫn triển khai nhiều dải giá linh hoạt trong giai đoạn Tết để phù hợp các nhu cầu khác nhau của khách hàng. Các hãng đều đang bán vé theo quy định mức giá trần do cục Hàng không Việt Nam phê duyệt.
Đại diện hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cho biết: “Giá xăng, dầu về cơ bản không ảnh hưởng đến giá vé Tết của Vietnam Airlines nên vẫn duy trì dải giá vé rộng với nhiều mức giá linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách”.
Lừa đảo bán vé giả ngày càng tinh vi
Đến hẹn lại lên, nắm bắt tâm lý người dân khi không mua được vé máy bay thì lo lắng, tìm mọi cách để được về quê, nhiều kẻ đã tung chiêu bán vé giả để trục lợi. Cụ thể, thủ đoạn đa số kẻ lừa đảo thường sử dụng đó là giả dạng nhân viên bán vé của hãng, quảng cáo rằng còn một số vé dư nên bán rẻ. Thậm chí, một số đại lý còn thu tiền của khách mà không nhập thông tin của người đó lên hệ thống website của hãng hàng không để đặt chỗ. Tất cả hành khách mua phải vé không hợp lệ đều không được lên máy bay.
Nhiều hành khách “nhẹ dạ cả tin” đã rơi vào cảnh "tiền mất tật mang". Trót mua phải vé giả, họ không thể về quê như dự định và cũng không còn kịp thời gian mua vé mới.
Từng bị lừa mua vé giả, chị Đ.T.Đ. (ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ: “Năm trước, tôi đặt mua vé máy bay Tết nhưng trễ quá các hãng đều không còn vé. Không biết làm sao để về quê ăn Tết, tôi tâm sự với người bạn cùng công ty, anh ta liền đưa số điện thoại của người tên H.Q.Việt cho tôi. Việt tự giới thiệu là nhân viên bán vé trong sân bay nên tôi nhờ đặt mua vé cho cả gia đình. Tổng số tiền tôi đưa cho Việt là 23,5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cả nhà đến sân bay làm thủ tục, nhân viên ở đây liền thông báo 5 vé tôi mua đều là giả. Không chỉ riêng tôi, một số bạn công nhân làm chung công ty với tôi cũng mua phải vé máy bay của Việt và bị mất trắng tiền. Chúng tôi cố gắng liên lạc với Việt thì điện thoại đều thuê bao”.
Không chỉ chị Đ., rất nhiều trường hợp khác bị lừa với thủ đoạn tương tự. Họ tin tưởng vào những người tự rao mình là chủ đại lý hoặc nhân viên hãng hàng không để bán vé giả. Những địa chỉ đại lý do người bán cung cấp đa phần đều không tồn tại. Nhiều người đành "ngậm đắng" chấp nhận mất trắng số tiền mình dành dụm để về quê ăn tết.
Không những thế, bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ thông tin, nhiều kẻ lừa đảo đã áp dụng nhiều hình thức tinh vi như: Lập các trang web giả mạo trên mạng xã hội, hứa hẹn tặng 2 vé máy bay Vietnam Airlines cho hành khách tham gia điều tra trực tuyến và chia sẻ thông tin để lừa đảo.
Để cảnh báo tình trạng này, đại diện các hãng hàng không đã có nhiều khuyến cáo đến với khách hàng nên mua vé trên trang web chính thống hoặc tại các phòng vé, đại lý chính thức và yêu cầu lấy hóa đơn để đảm bảo không mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Khách hàng nên cân nhắc kỹ lịch trình đi lại dự kiến và khả năng có chỗ trên các chuyến bay trong dịp cao điểm tết để có lựa chọn phù hợp, tránh trường hợp đặt chỗ cùng một lúc trên nhiều chuyến bay, gây trùng lặp khiến hệ thống tự động hủy các đặt chỗ đó.
Khách hàng cần lưu ý, địa chỉ trên giấy chứng nhận và địa chỉ trụ sở đại lý phải trùng khớp với nhau. Ngay khi nhận mã vé, hành khách nên tự kiểm tra qua website, tổng dài hoặc trên các thiết bị di động thông minh hoặc tại các kiốt “check in” đặt tại sân bay.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin, luật sư Lê Văn Hoan - Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, các trường hợp giả mạo bán vé máy bay đưa ra thông tin không đúng sự thật để khách hàng đưa tiền rồi chiếm đoạt là hành vi gian dối, vi phạm pháp luật.
Nếu số tiền bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự. Khung hình phạt của tội này nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng.
Khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là chung thân nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu số tiền bị chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng và chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính số tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013: “c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác”. Về trách nhiệm dân sự thì người có hành vi chiếm đoạt phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại.