Năm 2018, ô tô Việt Nam sẽ giảm giá?
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích có 3 yếu tố cơ bản tác động đến giá xe hiện nay, thứ nhất là yếu tố đầu vào, giá mua trên thế giới, giá của nhà sản xuất, thứ hai là thuế nhập khẩu xe và thứ ba là mức giá thị trường so với xe cùng loại.
![Đầu tư - Mua xe khi thuế nhập khẩu về 0%: “Cưới” bây giờ hay đợi mùa thu?](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/2017/6/7/9624/img3891012946000000-1496805122.jpg)
Theo giới chuyên gia khi thuế nhập khẩu ô tô về 0% năm 2018, giá ô tô sẽ giảm
Ông Hiếu đánh giá, đến đầu năm 2018 theo Hiệp định Thương Mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu ô tô giữa các nước ASEAN sẽ về 0%, dĩ nhiên trên thị trường Việt Nam xe ô tô sẽ giảm giá bán nhiều bởi thuế ô tô nhập khẩu hiện nay của nước ta còn rất cao. Đây là một tin mừng đối với người tiêu thụ. Mặc dù vậy, đối với nền kinh tế nói chung chưa chắc đã có lợi bởi sẽ làm mất đi nguồn thuế của Chính phủ, thêm nữa có thể làm tăng độ dày đặc về giao thông nếu cho nhập khẩu xe giá rẻ.
Vấn đề đặt ra là liệu có hay không một loại thuế thay thế khi thuế nhập khẩu ô tô về 0 để bù vào thuế mất đi?
TS. Hiếu nhận định, có thể Chính phủ sẽ đưa ra một loại thuế khác chẳng hạn như thuế giao thông, hoặc loại thuế nào đó để bù đắp cho nguồn thu và điều hòa lượng xe vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đưa ra một loại thuế nào đó để thay thế thuế nhập khẩu sẽ không đúng với tinh thần của những hiệp định thương mại, bởi thực chất những hiệp định thương mại cho thuế về 0% nhằm để thị trường không còn rào cản về thuế quan.
Đồng ý kiến với TS. Hiếu, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Đây là bài toán khó cho Việt Nam khi thuế nhập khẩu ô tô càng sát về 0% như cam kết tại các Hiệp định thương mại thì không thể không giảm, nhưng việc nhập ô tô không chỉ liên quan đến vấn đề nhập siêu mà còn liên quan đến giao thông, môi trường. Do đó vẫn cần kết hợp những yếu tố khác để giới hạn được việc nhập khẩu ô tô, không những vậy việc điều tiết về giá như thế nào cũng là vấn đề lớn.
Thời gian gần đây, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định về tăng phí trước bạ hàng loạt ô tô, xe máy. Điều này khiến cho người tiêu dùng phải bỏ thêm một món tiền mới mua được xe, TS.Lưu Bích Hồ cho rằng việc làm này của Bộ Tài chính cũng là một trong những cách để hỗ trợ cho vấn đề xây dựng hạ tầng giao thông, cải tiến đường bộ hoặc bảo vệ môi trường.
Ngành ô tô Việt Nam: Khó có ló khôn?
Một điều đáng lo ngại nữa khi thuế bằng 0%, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất ô tô trong nước vốn đang thoi thóp nhiều năm qua.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu vốn dĩ thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam cao là để ngăn chặn làn sóng nhập khẩu xe nhưng khi về 0% thì rào cản đó sẽ mất đi và tạo nên sự cạnh tranh rất lớn cho ô tô nội.
Điều này sẽ gây bất lợi là tạo ra sự cạnh tranh cho ô tô nội nhưng đây cũng là điều có lợi cho nền kinh tế. Cụ thể là bắt buộc các hãng sản xuất ô tô nội phải tăng cường sự cạnh tranh, chất lượng và cả giá thành để cạnh tranh với ô tô ngoại.
Nhìn thẳng vào thực tế ngành sản xuất ô tô nội địa, TS.Hiếu cho rằng sẽ rất khó cạnh tranh với ô tô ngoại, giá thành có thể cao hơn, chất lượng cũng có thể không bằng và đây cũng là điều mà Chính phủ phải rất quan tâm. “Nếu muốn thúc đẩy việc sản xuất ô tô nội địa thì chắc chắn phải có những biện pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp qua chính sách về thuế, ưu đãi thuế, tài trợ. Nhưng chính bản thân các hãng sản xuất ô tô nội địa cũng phải tự mình tăng cường tính cạnh tranh thông qua sản phẩm, còn nếu chỉ trông đợi những hỗ trợ của Chính phủ thì không thể đủ được và rất có thể sẽ đi vào chỗ chết”.
Theo TS.Lưu Bích Hồ, Việt Nam cần phải phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, bởi ngành công nghiệp ô tô không chỉ là ô tô mà là cả ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo ra hàng nghìn linh kiện, phụ tùng của ô tô. Nếu vẫn chỉ có lắp ráp ô tô như hiện nay thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chưa thể tiến triển được.
“Tôi đã từng kiến nghị, trong một chuỗi giá trị ngành sản xuất ô tô Việt Nam có thể chọn một vài sản phẩm linh kiện, phụ tùng ô tô trong chuỗi đó để sản xuất nhưng ý kiến của tôi vẫn còn đang thảo luận. Tôi cho rằng, chúng ta không thể làm hết nhưng cũng không thể chỉ lắp ráp” – TS.Hồ nói.
Trao đổi với phóng viên ngoài lề Hội thảo - Diễn đàn Kinh doanh “Triển vọng hợp tác Indonesia - Việt Nam về công nghiệp ôtô và phụ tùng ôtô, xe máy", ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, khi tham gia vào ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nên nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô. Các doanh nghiệp trước hết có thể tập trung vào ngành công nghiệp phụ trợ, phụ tùng, linh kiện ô tô sau đó từng nước tiến tới việc sản xuất ra sản phẩm ô tô made in Việt Nam.
Thiên Di – Diệu Ly