Tuổi tù gần bằng nửa tuổi đời
Ngày cuối năm, dòng người hối hả, ai cũng tất bật mua sắm để vội vã trở về nhà. Trong tiếng còi xe, tiếng người huyên náo, ở một góc vỉa hè QL1A tại ngã tư thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, anh Đức vẫn cặm cụi bên chiếc bếp than đỏ đượm, thoăn thoắt múc những bát cháo nóng hổi cho thực khách qua đường. Ở cái đất này, không ai không biết đến anh – Ngô Anh Đức (SN 1974), 1 tay “anh chị” từng có số má, khét tiếng ở Cẩm Xuyên với 4 lần vào tù ra tội.
Bưng những sọt bát, đũa từ xe kéo xuống, anh Đức vừa thở dốc vừa trò chuyện với chúng tôi. Chiều nào cũng vậy, cứ khoảng 17h là anh lại ra góc đường này để sửa soạn mở hàng cho quán cháo đêm. Mưa rét cũng như ngày nắng nóng, anh không mấy khi nghỉ bán ngoại trừ lúc ốm đau. Anh nói: “Cứ làm miết thành quen không muốn nghỉ. Đời tôi chơi đủ rồi, bây giờ phải cày cuốc để nuôi dạy con”.
Sinh ra, lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học đến lớp 8 anh bỏ học rồi theo đám bạn lêu lổng. 15 tuổi, anh phải vào tù vì tội trộm cắp. Một năm sau, được mãn hạn nhưng anh lại tiếp tục dính vào lao lý. 18 tuổi, Đức vào tù lần 2. Hơn 4 năm sau, anh được ra tù. Nhưng bản tính của kẻ thích ăn chơi, không có việc làm đã khiến Đức tiếp tục phạm tội cướp tài sản. 6 năm tù giam là cái giá anh phải trả cho hành vi của mình. Năm 2006, Đức mãn hạn tù. Một thời gian sau, anh lấy vợ, mở quán buôn bán nhưng “cái máu” trong người chưa thay được. Năm 2009, Đức bị bắt giữ về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Anh tiếp tục vào tù lần thứ tư với mức án 7 năm 9 tháng. Ngày anh vào trại, đứa con trai đầu lòng chỉ vừa tròn 2 tháng tuổi.
Cuộc sống khó khăn, vợ anh đã gửi con cho người dì chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động. Ở trong tù, anh như phát điên với nỗi nhớ con và nỗi chua xót cho cuộc đời của mình: 4 lần dính án với gần 19 năm ngồi tù, tuổi thanh xuân của anh trôi qua vô nghĩa với 2 bàn tay trắng.
“26 Tết 2016, tôi được ra tù. Tôi phóng bạt mạng ra Nghi Xuân để gặp con trai. Vừa nhìn thấy tôi, thằng bé khóc thét lên, không cho tôi tiến lại gần. Gần 8 năm ở tù đã khiến con tôi không thể nhận ra mặt của bố nữa. Tôi lủi thủi ra về, lòng cay đắng. Rồi những ngày tiếp đó, ngày nào tôi cũng ra thăm con. Đến ngày thứ 3, tôi cầm được tay, ngày thứ 5 thì bồng được nó. Ôm con vào lòng, tôi bật khóc. Thời khắc đó tôi tự hứa với mình, sẽ rũ bỏ quá khứ, làm lại từ đầu để trở thành người bố tốt, nuôi dạy con nên người”, anh Đức ngậm ngùi kể lại.
Và con đường hoàn lương…
42 tuổi với số năm đi tù gần bằng nửa tuổi đời, anh Đức không nhà cửa, không vốn liếng. Để bắt đầu làm lại cuộc đời, anh xin một người bạn vào làm cùng ở một quán ăn tại khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Được một thời gian ngắn, anh quyết định về lại thị trấn Cẩm Xuyên mở quán bán để có điều kiện đón con về chăm sóc. Thương anh, bạn bè người cho 500, đứa góp 1 triệu, ai không có tiền thì cho cái nồi hay mấy chiếc ghế... Chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh mở quán cháo đêm ở ven vỉa hè QL1A.
Rồi cứ thế, ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 17h, anh Đức lại kéo chiếc xevới lỉnh kỉnh đủ thứ ra góc vỉa hè để soạn hàng. Một tay anh kiêm từ nấu, bưng bê, phục vụ khách đến rửa bát. Với tài nấu ăn ngon, những bát cháo gà, vịt, dẻo quyện, thơm ngậy anh nấu đều được khách hàng yêu thích, ủng hộ. Quán của anh ngày một đông khách. Khi kinh tế dần ổn định, anh đón con về chăm sóc.
“17h chiều, tôi đẩy xe ra soạn hàng rồi thức bán cho đến 5h sáng hôm sau là đã phải dọn dẹp thật sạch để kịp trả lại vỉa hè. Về nhà cũng là lúc trời sáng, thức con dậy, cho con ăn, chở con đi học rồi tôi lại chợ mua thực phẩm chuẩn bị hàng. Xong xuôi, tôi mới được chợp mắt một chút nhưng đến 11h là đã phải dậy để hầm cháo, làm gà cho phiên buổi chiều. Mỗi ngày tôi được ngủ nhiều nhất là 5 tiếng đồng hồ. Vất vả là vậy nhưng tôi thấy rất vui. Tôi đã tự kiếm ra được những đồng tiền từ mồ hôi và sức lực của chính mình để nuôi con ăn học. Để con tôi thấy được, dù bố nó sa cơ nhưng vẫn làm lại được cuộc đời. Con tôi bây giờ đã biết nhặt rau, phụ bố soạn hàng. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng đủ để tôi thấy cuộc sống thật hạnh phúc”, anh Đức chia sẻ.
Theo anh Đức, để có thể rũ bỏ hết quá khứ, làm lại cuộc đời, anh đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người thân, bạn bè và chính quyền địa phương. Đặc biệt là lực lượng thi hành án hình sự công an huyện Cẩm Xuyên. Chính sự định hướng, chia sẻ, giúp đỡ của các cán bộ công an đã khiến anh vượt qua được mọi khó khăn, quyết tâm hoàn lương.
Đại úy Nguyễn Lộc Bình, đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết, khi anh Ngô Anh Đức đi tù về, vợ ở xa, con không ở cùng chính vì vậy anh rơi vào trạng thái chán nản. Nắm bắt được tâm lý đó, các cán bộ công an huyện đã thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, giáo dục, vận động và tạo điều kiện tốt nhất để anh Đức tái hòa nhập cộng đồng.
Theo Đại úy Bình, hiện, địa bàn huyện Cẩm Xuyên có 191 trường hợp nằm trong diện quản lý tái hòa nhập cộng đồng. Anh Ngô Anh Đức là 1 trong 6 tiên tiến điển hình. Khó khăn của những người sau khi chấp hành án là họ thường có cảm giác tự ti mặc cảm với gia đình, xã hội. Để những người này, tái hòa nhập tốt, chính quyền, người thân, hàng xóm phải động viên, đừng nhìn họ với ánh mắt kỳ thị. Và đặc biệt, các cơ quan chức năng liên quan rất cần có phương án hỗ trợ cho họ vay vốn để làm ăn.
Chiều cuối năm, tiếng còi xe huyên náo, những dòng người hối hả. Các tuyến phố lên đèn cũng là lúc anh Đức bắt đầu múc những bát cháo nóng hổi đón thực khách. Chỉ còn ít ngày nữa, anh sẽ tạm nghỉ bán để cùng con trai đi chọn mua 1 cành đào rồi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để đón Tết. Xuân đã chạm ngõ rồi...