Cha dượng đồi bại khiến con riêng của vợ sinh con
Ngày 22/8, Công an quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Huỳnh Ngọc Tân, SN 1983, ngụ địa phương về hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Sự việc đau lòng khi nạn nhân là 2 con gái riêng của vợ Tân. Trong đó có 1 bé gái bị tâm thần buộc phải sinh con.
Tân là đối tượng đang thụ án tại Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam, về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Do đó, Công an quận Liên Chiểu sẽ bắt tạm giam khi đối tượng này hoàn tất thời gian thụ án vào cuối tháng 8/2019.
Theo hồ sơ ban đầu, năm 2014, Tân quen biết và nảy sinh tình cảm với chị L.T.H.N., SN 1983, ngụ tại TP Đà Nẵng. Chị N. là người đã qua một đời chồng, và nuôi 2 đứa con gái nhỏ. Con lớn là cháu B. (14 tuổi) và cháu A. (11 tuổi). Trong đó, cháu B. bị bệnh tâm thần.
Năm 2014, Tân và chị N. quyết định thuê phòng trọ tại khu dân cư Phước Lý, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu sống chung. Sau đó không lâu, chị N. được sự đồng thuận của Tân, đưa 2 con gái về sống cùng.
Trong quá trình sống chung, chị N. mang thai của Tân. Điều đáng nói, khoảng thời gian chị N. sinh con tại bệnh viện, Tân lại giở trò, thực hiện hành vi đồi bại với 2 con riêng của vợ. Hậu quả, đầu tháng 11/2017, cháu B. sinh con.
Chị N. tìm hiểu, phát hiện sự việc, viết đơn trình báo công an. Công an quận Liên Chiểu đã xác minh, điều tra. Tháng 5/2018, Tân bị bắt và thụ án tù tại Trại giam An Điềm (đóng tại tỉnh Quảng Nam) về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Làm việc với cơ quan điều tra, Tân khẳng định mình không xâm hại gì đối với con riêng của vợ. Do cháu B. còn quá nhỏ, lại bị tâm thần nên rất khó trong việc xác định vụ việc. Thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm hết, cơ sở buộc tội cũng không đủ nên vụ án phải tạm ngưng.
Tuy nhiên, sau đó, Công an quận Liên Chiểu đã kiên trì đấu tranh vụ việc. Công an cho trưng cầu giám định ADN và kết quả, đứa con mà cháu B. sinh cùng huyết thống đối với Tân.
Mức án nào cho kẻ đồi bại?
Liên quan đến vụ việc, luật sư Mai Quốc Việt, công ty Luật FDVN, TP.Đà Nẵng cho biết, xét về tính chất, mức độ thì hành vi đã thực hiện của Tân là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc Tân thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại là trẻ em sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của những đứa trẻ được pháp luật bảo vệ.
Đối với hành vi giao cấu với em A., 11 tuổi, nên dù đồng ý hay không đồng ý thì hành vi của Tân vẫn thuộc trường hợp là phạm tội với tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Mức án với tội danh này tối đa là 15 năm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối với hành vi giao cấu với em B., cơ quan điều tra phải làm rõ được, hành vi giao cấu có trái ý muốn của bị hại hay không. Bởi, nếu hành vi giao cấu trái ý muốn của bị hại, Tân thuộc trường hợp phạm tội với tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015.
Do Tân khiến cho em B. sinh con, nên đây là một tình tiết tăng nặng cho hành vi thực hiện của Tân. Mức án với tội danh này tối đa là 20 năm.
Trong trường hợp giao cấu em B. nhưng bị hại không phản đối thì hành vi của Tân thuộc trường hợp phạm tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, và tình tiết tăng nặng đối với Tân là làm người bị hại có thai, nên mức án với tội danh này tối đa là 10 năm.
Trường hợp này, Tân còn bị kết án về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, vì vậy theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015 thì nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung.
Hình phạt chung không được vượt quá 3 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn. Do vậy, trong trường hợp này có thể Tân sẽ bị phạt hình phạt chung với thời hạn không quá 30 năm.
Luật sư Việt nhận định, vì ham muốn dục vọng của bản thân mà Tân đã thực hiện hành vi giao cấu với người bị hại là trẻ em trái với quy định của pháp luật. Hành vi của Tân là xem thường pháp luật, xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm, danh dự của người bị hại.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thích hợp, tương ứng với tính chất và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.