Ngày 17/10, đại diện xã Đông Vinh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) cho biết, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính người mẹ bỏ rơi bé gái sơ sinh tại ruộng khoai nước dưới trời nắng 40 độ vào ngày 26/7. Cháu bé sau đó đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi sau 20 ngày nằm viện.
Thông tin ban đầu cho thấy, ngày 26/7, người dân xã Đông Vinh đã phát hiện cháu bé sơ sinh còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi tại ruộng khoai nước dưới trời nắng 40 độ.
Mặc dù đã được bế đi cấp cứu nhưng do bị bỏ rơi quá lâu dưới trời nắng nóng gay gắt ở nơi bùn đất lấm lem gây nhiễm trùng nặng, dù các y bác sĩ đã rất nỗ lực cứu chữa, chăm sóc đặc biệt nhưng bé vẫn không thể qua khỏi.
Sau quá trình điều tra, Công an huyện Đông Hưng đã xác định được người mẹ bỏ rơi bé là Phạm Thị H. (SN 1994, trú tại xã Đông Quan, lấy chồng ở xã Đông Vinh, hiện đang sinh sống tại địa phương). Vụ việc này khiến nhiều người hết sức bất ngờ, xót xa và tỏ ra vô cùng phẫn nộ.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Ánh Liên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tùy vào kết quả xác định mức độ nhận thức thế nào khi chị H. thực hiện hành vi vứt bỏ con, nếu có lâm vào tình trạng hoàn cảnh khách quan đặc biệt và bị ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng lạc hậu, chị H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ được quy định tại Điều 124 của Bộ luật Hình sự. Theo đó:
“1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Cấu thành của tội này như sau:
1. Mặt khách thể
Tội này xâm phạm tới một trong những khách thể quan trọng nhất được pháp luật Hình sự bảo vệ, đó là quyền sống của con người. Ngoài ra, tội này còn xâm phạm nghiêm trọng đến tình mẫu tử, khiến đạo đức xã hội bị méo mó. Việt Nam đã tham gia một số điều ước quốc tế quy định về những quyền này:
- Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của con người năm 1966 ghi nhận: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.
- Điều 6 của Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em quy định: “Các Quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các Quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em”. Tại Việt Nam, quyền trẻ em cũng được quy định riêng trong Luật Trẻ Em 2016.
Từ đó có thể thấy, vấn đề về quyền trẻ em luôn được quan tâm và bảo vệ cho dù là theo pháp luật quốc tế hay pháp luật trong nước. Ở trường hợp này, tính mạng của một em bé mới sinh ra đã bị tước đoạt do hành động của người mẹ.
2. Mặt khách quan
Tội này có cấu thành tội phạm vật chất. Hành vi vứt con dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết được thể hiện dưới dạng hành động là vứt bỏ con mình mới sinh ở ruộng khoai nước dưới trời nắng 40 độ. Dù người mẹ có mong muốn đứa trẻ chết hay không nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả đứa trẻ chết xảy ra được coi là tội phạm đã hoàn thành.
3. Mặt chủ thể
Chủ thể của tội này phải có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, chủ thể của tội này đặc biệt ở chỗ chính là “người mẹ”.
Ngay cả khi tội phạm là người mẹ, nhưng cũng chỉ bị coi là chủ thể của tội này khi người đó thực hiện hành vi do “ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt”. Nếu vì lý do khác mà giết con mình vừa đẻ ra thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Cơ quan chức năng cần khai thác sâu hơn để làm rõ tình tiết nguyên nhân dẫn đến người mẹ có hành động như vậy.
4. Mặt chủ quan
Tội này được thực hiện với lỗi cố ý. Sau khi vừa sinh đứa trẻ ra, người mẹ đã vứt bỏ ngay ở ruộng khoai nước khi người mẹ có ý thức về việc để mặc này và chấp nhận hậu quả đó. Nếu người mẹ vứt bỏ con mới đẻ ở nơi đồng ruộng hoang vắng, dưới thời tiết nóng 40 độ với mong muốn là làm đứa trẻ chết thì có thể bị coi là giết con mới đẻ vì ý thức của người mẹ rõ ràng là muốn đứa trẻ chết mà không ai phát hiện và cứu đứa bé được. Về mặt này, cần xem xét đến ý thức chủ quan của người mẹ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ở trường hợp của chị H., em bé đã không may mắn qua khỏi nên nếu có đủ 4 cấu thành tội phạm nêu trên, người mẹ này có thể bị bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu cơ quan CSĐT xác định không phải do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì hành vi của người mẹ không thể cấu thành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp đó, hành vi của người mẹ sẽ cấu thành tội Giết người theo điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Người mẹ có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo tính chất, mức độ của hành vi.
Như vậy, cùng một hành vi là giết con mới đẻ, nhưng được thực hiện bởi chủ thể khác nhau thì đã cấu thành các tội phạm khác nhau. Do đó, khi truy cứu trách nhiệm về hành vi này cần lưu ý đến các yếu tố cấu thành tội phạm, đặc biệt là yếu tố chủ thể.
Luật sư Vũ Ánh Liên
(Đoàn Luật sư Hà Nội)