Bản án tuyên ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ cổ phần của mình và bà Thảo tại Trung Nguyên. Ông Vũ phải thanh toán lại cho bà Thảo bằng giá trị tiền từ cổ phần mà bà Thảo được nắm giữ (theo tỷ lệ chia mới là 60:40).
Lý do tòa tuyên ông Vũ được sở hữu tài sản nhiều hơn là bởi ông chính là người thành lập Trung Nguyên. Qua các thời kỳ, ông có công lớn hơn, cũng như đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Trung Nguyên. Do đó, việc chia tài sản theo tỷ lệ 60:40 nghiêng về phía ông Vũ theo tòa là hợp lý.
Tài sản là cổ phần của ông Vũ và bà Thảo hiện đang sở hữu tại Trung Nguyên có giá trị hơn 5.700 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phần này tòa tuyên ông Vũ được quyền nắm giữ. Bà Thảo sở hữu số tiền đang quản lý là gần 1.700 tỷ.
Tổng cộng tài sản chung trừ bất động sản là hơn 7.000 tỷ. Nếu chia theo tỷ lệ 60:40 nghiêng về phía ông Vũ thì bà Thảo hiện đang sở hữu hơn 3.600 tỷ, ông Vũ hơn 4.800 tỷ. Khấu trừ, số tiền chênh lệch là hơn 1.200 tỷ. Số tiền chênh lệch này, ông Vũ phải có trách nhiệm thanh toán lại cho bà Thảo.
Ngoài ra tòa giao ông Vũ được quản lý tài sản đất và gắn liền với đất tương đương 6 bất động sản trị giá 350 tỷ. Bà Thảo được giao quản lý 7 bất động sản trị giá 375 tỷ.
Trước đó, bà Thảo đề nghị được chia 51% cổ phần tại công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên. Tuy nhiên, nay tòa không tuyên cho bà như mong muốn, lại còn tuyên bà phải giao lại toàn bộ cổ phần tại Trung Nguyên cho ông Vũ. Điều này đồng nghĩa với việc bà “mất trắng” tại Trung Nguyên.
Về án phí, bà Thảo phải chịu án phí dân sự 300.000 đồng, án phí cho phần tài sản được chia là 33 tỷ đồng. Ông Vũ phải nộp 48 tỷ án phí tài sản. Trước đó, ông Vũ và bà Thảo đã nộp tạm ứng án phí mỗi người 1 tỷ đồng. Sau khi cấn trừ, bà Thảo phải nộp hơn 32 tỷ đồng án phí, ông Vũ phải nộp hơn 47 tỷ đồng. Tổng cộng 2 vợ chồng Vũ – Thảo phải nộp 79 tỷ đồng.
Mức án phí trong các vụ án ly hôn, tranh chấp dân sự được tính dựa trên quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.
Theo cách tính quy định tại nghị quyết này, với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản trên 4 tỷ đồng, mỗi bên đương sự sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.
Nếu chiếu theo quy định này, việc TAND TP.HCM tuyên mức án phí gần 80 tỷ đồng và vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên phải đóng có sự nhầm lẫn.
Theo đó, bản án tòa tuyên cho bà Thảo được sở hữu hơn 3.364 tỷ, ông Vũ có hơn 4.864 tỷ (tổng khối tài sản chung vợ chồng trị giá 8.229 tỷ). Như vậy, số tài sản của bà Thảo là 3.364 tỷ - 4 tỷ = 3.360 tỷ đồng. Khi tính theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, thì số án phí mà bà Thảo phải nộp là 112 triệu + 0,1% (của 3.360 tỷ) = 3,4 tỷ đồng.
Tương tự công thức tính như trên, ông Vũ sẽ phải nộp khoảng 4,8 tỷ đồng chứ không phải 48 tỷ đồng như bản án tòa vừa tuyên.
Trao đổi với PV, luật sư Hồ Diệp (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, nếu các bên phát hiện có sai sót từ tòa về án phí thì có quyền kháng cáo về phần án phí. Còn trường hợp tòa sai, tòa phải ra văn bản đính chính gửi cho các bên đương sự theo luật định.