Mới đây, chia sẻ với PV, anh Thành Trung - người quản lý của diễn viên Mai Phương cho hay, nữ diễn viên mới phát hiện ung thư phổi cách đây không lâu. Hiện tại, diễn viên Mai Phương đang điều trị ở bệnh viện 175, TP.HCM, khi Phương phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn cuối.
Theo các chuyên gia, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư phổ biến về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, những yếu tố dẫn đến căn bệnh này ngày càng gia tăng ở nước ta.
Nói về tỷ lệ mắc ung thư phổi ở Việt Nam, GS. TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam, ung thư phổi có 21.865 ca mới mắc bệnh, chiếm tỷ lệ 17,5%; số ca tử vong là 19.559 chiếm tỷ lệ 20,6%.
Điều đáng nói, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu lại rất khó khăn. Tại Việt Nam, đa phần bệnh nhân được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, chỉ 10-20% được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. TS.BS Hoàng Đình Chân, Giám đốc chuyên môn bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cũng đưa ra con số ước tính tại thủ đô Hà Nội, trung bình tỷ lệ được chẩn đoán ung thư phổi vào khoảng 40/100.000 dân và ở TP.HCM là khoảng 30/100.000 người.
“Ở giai đoạn sớm bệnh có những triệu chứng rất nghèo nàn, bệnh nhân dễ nhầm lẫn với những bệnh lý về đường hô hấp khác. Nếu bệnh có thể được phát hiện ở giai đoạn đầu khả năng đáp ứng điều trị tốt, tỷ lệ sống có thể lên đến hơn 70%. Ngược lại, đối với những bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối, không thể chỉ định phẫu thuật, tỷ lệ tử vong rất lớn. Hơn 90% bệnh nhân tử vong sau một năm kể từ khi phát hiện bệnh”, TS. Hoàng Đình Chân nói.
Theo GS. Mai Trọng Khoa, ung thư phổi chia làm 2 nhóm: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ, trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu.
Các phương pháp điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, sinh học. Việc lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc vào thể trạng, giai đoạn bệnh và mô bệnh học của từng bệnh nhân.
Bệnh nhân ở giai đoạn sớm (giai đoạn I, II) điều trị triệt bằng phẫu thuật hoặc hóa - xạ trị kết hợp. Đối với giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp toàn thân như hóa chất, điều trị đích. Tuy nhiên, việc điều trị đích chỉ hợp với bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Các bệnh nhân bị ung thư phổi không tế bào nhỏ thời gian điều trị và đánh giá cho kết quả lâu dài khá cao. Tuy nhiên, GS. Khoa nhấn mạnh bất cứ bệnh ung thư nào ngoài tuân thủ phác đồ điều trị, bệnh nhân cần có một tinh thần lạc quan với bệnh tật.
Đặc biệt, cần sàng lọc để phát hiện sớm ung thư. Khi có dấu hiệu ho, sụt cân, khó thở, tức ngực cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.