Theo phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vốn điều lệ của Thalexim sau cổ phần hóa sẽ là 2.366 tỷ đồng, trong đó Nhà nước thông qua UBND tỉnh Bình Dương sở hữu 49%, phần còn lại chào bán cho nhà đầu tư chiến lược (45,5%), bán đấu giá công khai (5%) và bán ưu đãi người lao động (0,45%).
Thực ra đã từng có một phương án cổ phần hóa khác đối với Thalexim. Cuối năm 2014, UBND tỉnh Bình Dương trình kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp này xuống mức 75% và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Tuy nhiên việc cổ phần hóa sau đó không diễn ra như dự kiến; nguyên nhân được giải thích là bởi doanh nghiệp có quy mô lớn, nhiều đơn vị thành viên.
Như vậy, có thể thấy chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại Thalexim đã có sự thay đổi đáng kể khi vốn nhà nước thay vì lên tới 75% như kế hoạch trước đây, thì nay được điều chỉnh về dưới mức chi phối 49% và sẽ còn tiếp tục được giảm xuống.
Bên cạnh việc tuân thủ Quyết định 58, động thái này còn được cho là để Thalexim hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, nhằm giúp ngân sách nhà nước thu được số tiền tối đa từ cổ phần hóa.
Tuy vậy, vẫn còn đó những băn khoăn khi nhìn vào thực trạng hoạt động hiện nay của Thalexim.
Năm tài chính 2016, Thalexim đạt tổng doanh thu 6.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 89,5 tỷ đồng (chủ yếu do chi phí vay nợ giảm). Mặc dù lãi gấp đôi cùng kỳ, song tổng doanh thu lại chỉ còn một nửa so với năm 2015 (13.733 tỷ đồng) và bằng chừng ¼ mức đỉnh năm 2014 (24.766 tỷ đồng).
Việc doanh thu của Thalexim sụt giảm mạnh với biên độ tính bằng lần trong ba năm trở lại rõ ràng không phải là dấu hiệu tích cực, đặc biệt khi mà nguồn lực nội tại liên tục được tăng cường, với vốn góp chủ sở hữu hiện ở mức 1.701 tỷ đồng, gấp hơn hai lần năm 2013 (725 tỷ đồng).
Theo Thalexim, nguyên nhân chính khiến doanh thu đi xuống là do giá dầu giảm liên tục và cơ chế điều hành giá xăng dầu của nhà nước. Để bảo toàn vốn, các đại lý, tổng đại lý chỉ mua hàng cầm chừng, giảm dự trữ để tối ưu hàng tồn kho. Mặc dù vậy, số liệu công bố cho thấy hàng tồn kho của Thalexim đã lên 1.346 tỷ đồng vào cuối năm 2016 so với 1.204 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Suốt nhiều năm qua, vấn đề của Thalexim không chỉ là doanh thu sụt giảm, mà hiệu quả hoạt động của cũng là một dấu hỏi lớn. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) trung bình giai đoạn 2012-2016 của Thalexim chỉ là 0,4%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) cũng khiêm tốn ở mức 3,5%, thậm chí còn thấp hơn tốc độ lạm phát.
Để dễ so sánh, ROS và ROE của một doanh nghiệp cùng ngành là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Mã chứng khoán PLX) trong hai năm trở lại đây lần lượt là 3,3% và 36%, gấp nhiều lần Thalexim.
Kết quả kinh doanh của Thalexim có thể còn xấu hơn nếu không có “cứu cánh” đến từ hoạt động tài chính, trong đó chiếm phần lớn là cổ tức được chia (năm 2016 là 135 tỷ đồng, năm 2015 là 115 tỷ đồng, năm 2014 là 95 tỷ đồng).
Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của Thalexim là 6.063 tỷ đồng, giảm 800 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu do mất hợp nhất công ty con với CTCP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (Vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Thalexim giảm tỷ lệ sở hữu từ 100% về 49%). So với mức 7.872 tỷ đồng cuối năm 2014, tổng tài sản của Thalexim đã “co” lại gần 25%, phần nào cho thấy sự thụt lùi của doanh nghiệp này.
Sẽ còn nhiều yếu tố nữa tác động như lợi thế về đất đai, chính sách ưu đãi..,song một số phân tích trên cho thấy sẽ khó có mức giá cao cho cổ phần Thalexim khi thực hiện IPO hay đàm phán với nhà đầu tư chiến lược.
Dù sao, cổ phần hóa cùng với sự tham gia của yếu tố tư nhân hứa hẹn mang tới luồng gió mới cho Thalexim, giúp tổng công ty này chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, góp phần lành mạnh hóa thị trường, đồng thời đưa về nguồn tiền cho ngân sách nhà nước thông qua chia cổ tức hoặc thoái vốn với giá cao.
Thalexim tiền thân là Xí nghiệp Quốc doanh Sơn mài Thanh Lễ có lịch sử từ năm 1991. Tổng công ty này hiện có 11 đơn vị trực thuộc và 6 công ty thành viên, hoạt động ở ba lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy và bất động sản. Trong đó, nhập khẩu và phân phối xăng dầu là mũi nhọn, chiếm phần lớn doanh thu hàng năm với hệ thống khoảng 900 cửa hàng đại lý xăng dầu (phần lớn ở 13 tỉnh thành phía Nam).