Chiều ngày 25/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tham dự buổi họp trực tuyến do Bộ NN-PTNT tổ chức nhằm ứng phó với bão Trami (bão số 6).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, hiện toàn tỉnh có 56 hồ thủy lợi, 13 nhà máy thủy điện. Trước mùa mưa lũ năm 2024, các cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện những quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; quản lý vận hành, an toàn điện và công tác ứng phó thiên tai. Hiện mực nước 3 hồ thủy lợi, thủy điện lớn ở địa bàn tỉnh gồm Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền đang ở mức thấp và vận hành đảm bảo an toàn.
Với dung tích phòng lũ hiện tại, các hồ chứa kể trên có khả năng cắt lũ hoàn toàn với trận mưa từ 400-600 mm/24h. Đồng thời các hồ chứa này cần có các trận mưa lớn để đạt được mực nước dâng bình thường nhằm đủ nước phục vụ chống hạn trong năm 2025.
Cũng theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, dự báo do ảnh hưởng của rìa phía Tây hoàn lưu bão số 6 nên lượng mưa cả đợt ở địa bàn tỉnh khoảng 100-300mm, có nơi trên 500mm, thời gian mưa tập trung trong các ngày 27 và 28/10.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, với tinh thần chủ động, hiện địa phương đã xây dựng các phương án chuẩn bị ứng phó với bão số 6. Đến chiều nay (25/10), tỉnh đã kêu gọi tất cả 1.884 phương tiện tàu thuyền với 10.685 lao động của địa phương vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn; 90% diện tích nuôi trồng thủy sản đã thu hoạch. Có 20 phương tiện tàu hàng hải với 166 lao động, 1.999 tấn hàng đang neo đậu tại cảng Thuận An và cảng Chân Mây.
Để chủ động ứng phó với bão, lũ, nước dâng, lũ quét, sạt lở đất, hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên phương án sơ tán, di dời 16.349 hộ dân với 52.186 khẩu. Các lực lượng chủ công, cơ động như Công an, BĐBP đều phân công lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão số 6. Ngoài ra, tỉnh dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, vận động người dân chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu từ 7 đến 10 ngày liên tục để phòng khi thiên tai, lụt bão xảy ra.
Đặc biệt do ảnh hưởng mưa lớn, triều cường dâng cao trong những ngày qua làm sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, Tp.Huế. Đoạn sạt lở dài khoảng 1.000m, ăn sâu vào đất liền từ 70m đến 100m, gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân địa phương. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất cấp 2.350m2 vải lọc, 700m3 đá hộc để xử lý khẩn cấp sạt lở đoạn bờ biển này.