Ngày 18/2 vừa qua, tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp đã chính thức thu phí, với mức phí dành cho các xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 2.100 đồng/km; mức phí cao nhất áp dụng cho loại xe nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40feet) là 8.100 đồng/km.
Vietnam+ ghi nhận phản ánh của người dân, mức thu này đứng ở mức cao nhất hiện nay đối với đường cao tốc (cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tới 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp nhưng mức phí thu đồng đều với tất cả phương tiện cũng chỉ ở mức 2.000 đồng/km, còn cao tốc Nội Bài-Lào Cai là tuyến cao tốc làm mới hoàn toàn, dài 245km cũng chỉ thu ở mức 1.500 đồng/km).
Mức phí có thực sự cao?
Giải thích về vấn đề này ông Vũ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn cho hay, theo hợp đồng BOT ký kết, dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn sẽ được thu phí từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, để chia sẻ với người dân, tỉnh Lạng Sơn và chủ đầu tư chưa thực hiện thu phí vào thời điểm đó mà cho vận hành lưu thông miễn phí tới sau đợt Tết Nguyên đán, bắt đầu từ 0h ngày 18/2 mới chính thức thu. Như vậy, nhà đầu tư đã thu phí lùi sau hơn 1 tháng.”
Theo hợp đồng được duyệt, với các đường cao tốc khác khi phê duyệt dự án sau năm 2015 như tuyến Hạ Long-Vân Đồn thì mức phí thu của tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là tương đương nhau.
Trong khi đó, vào ngày 12/2 vừa qua, tuyến Quốc lộ 1 đoạn km1+800-km106+500 áp dụng hình thức thu phí lượt đã được tỉnh Lạng Sơn điều chỉnh mức thu tăng lên rất nhiều so với mức phí 35.000 đồng/km vào thời điểm chính thức thu phí từ tháng 6/2018. Cụ thể, xe loại 1 có mức phí là 52.000 đồng/lượt, cao nhất với xe loại 5 mức phí lên tới 200.000 đồng/lượt, mức thu cao nhất trong các trạm BOT trên cả nước.
Theo vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang-Lạng Sơn, nếu so sánh mức phí bình quân tính trên số km lưu thông trên cả tuyến thì vẫn thấp hơn nhiều so với các tuyến đường khác.
Ví dụ, mức phí Quốc lộ 1 đoạn Bắc Giang-Lạng Sơn dài 110km có mức phí 52.000 đồng (bình quân 472,73 đồng/km). So với dự án BOT Quốc lộ 91 (tỉnh Cần Thơ) và Quốc lộ 15 (tỉnh An Giang) có chiều dài 52km nhưng mức phí lên tới 82.600 đồng (bình quân 1.588 đồng/km), dự án BOT Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa dài 37,5km có mức phí 41.000 đồng (bình quân 1.093 đồng/km), dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa), Cầu Giát (Nghệ An) chiều dài 34km, mức phí 35.000 đồng (bình quân 1.029 đồng/km).
Thực trạng khó khăn
Cũng chia sẻ với báo Đầu tư, ông Vũ Minh Hoàng cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng phương tiện lưu thông trên hai tuyến Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sụt giảm khoảng 40%, từ bình quân 11.000 lượt xe/ngày đêm xuống còn khoảng 7.000 lượt xe/ngày đêm so với thời điểm chưa xuất hiện dịch. Điều này càng khiến phương án tài chính của Dự án thêm khó khăn.
“Với các bất cập về phương án tài chính hiện nay chưa được giải quyết, đồng thời tuyến Chi Lăng - Hữu Nghị chưa hoàn thành, điểm đầu Chi Lăng của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn còn cách TP. Lạng Sơn khoảng 30 km và cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 43 km khiến Dự án đang gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn vốn đầu tư”, ông Hoàng nói.
Theo hợp đồng gốc, các bên tham gia Dự án xác định có 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 hoàn vốn cho Dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Dự án, theo đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn, nhằm tạo sự đồng thuận với người dân, các bên đã thống nhất bỏ trạm thu phí Km24+900 trên Quốc lộ 1; thực hiện việc miễn giảm gần 6.000 phương tiện tại Trạm thu phí Km93+160; đồng thời tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng kết nối với TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị chưa xác định thời điểm hoàn thành do vướng mắc về nguồn vốn...
Các yếu tố này đã được Kiểm toán Nhà nước, ngân hàng và các bên liên quan xác định là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính, phương án tín dụng của Dự án thành phần 1. “Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của địa phương, nhưng với mức phí được phê duyệt, phương án tài chính cho Dự án thành phần 1 sẽ càng thêm mất cân đối”, ông Hoàng lo lắng.
Có nên giảm mức phí?
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, theo nguyên tắc của quản lý thị trường thì việc đưa ra giá vé phải dựa trên sự hạch toán chính xác nhằm bảo đảm quyền lợi hài hòa của cả DN đầu tư và người sử dụng dịch vụ.
“Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Tức là mức giá vé trước khi được áp dụng đã được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và phê duyệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN vận tải đã và đang gặp rất nhiều khó khăn thì cũng cần nghiên cứu lại giá vé cho phù hợp”, TS Kiêm cho hay.
Dù vậy, theo TS Cao Sỹ Kiêm, để có thể điều chỉnh giá vé trên cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là điều không đơn giản. Đầu tiên phải có ý kiến đề xuất của địa phương, ý kiến của DN vận tải và sự đồng thuận của nhà đầu tư. Sau đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đứng ra xem xét và đưa ra quyết định có điều chỉnh hay không.
Phía nhà đầu tư cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn sớm báo cáo cơ quan trung ương về các khó khăn liên quan đến phương án tài chính của Dự án và có các giải pháp bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Dự án giống như những dự án cao tốc khác, tránh việc phải dừng khai thác, hướng tới việc vận hành ổn định, lâu dài.
Bá Di (T/h)