Trao đổi với PV Người Đưa Tin, cụ bà Nguyễn Ngọc Vương kể, từ bé đã thấy cây hồng nhung rất to mọc ở ngay vườn nhà. Ngay cả cha của bà, cụ Nguyễn Thành Giác (SN 1918, đã mất) cũng không biết ai trồng cây này, chỉ biết đã thấy nó từ rất lâu.
Theo cụ Vương, nếu tính ra, cây hồng nhung cổ thụ phải trên 100 năm tuổi, vì cây đã có vào thời cha của cụ còn trẻ. Khi đó, cây cũng to cỡ như bây giờ. Cả trăm năm qua, cây không lớn hơn bao nhiêu.
Do quả cây hồng nhung không có hạt, nên gia đình không biết cách nào để nhân giống. Nhưng cách đây 3 năm, cụ Vương bất ngờ phát hiện có một cây hồng nhung con nên bứng gốc mang vào gần nhà trồng. Sau 3 năm, cây con phát triển tốt, cho lá sum suê.
Cụ Vương còn cho biết, cây cho quả quanh năm, quả có thể để bày cúng trên mâm ngũ quả. Quả lúc chưa chín ăn có vị chát, nhưng khi quả chín, mùi thơm lan tỏa ngào ngạt, ăn ngon, vị ngọt.
Nói về cây hồng nhung quý hiếm, ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long cho biết, ông đã đi nhiều nơi nhưng đây là lần đầu tiên ông biết được cây, quả lạ này.
Theo ông Mẫn, sở dĩ cây có tên gọi là hồng nhung bởi cây cho quả nhìn rất giống quả hồng ở Đà Lạt, nhưng da quả lại có phủ một lớp nhung bên ngoài.
“Đây là cây quý, tôi chưa thấy nơi đâu có. Tuổi thọ của cây cũng cao, trên 100 năm tuổi nên cần được bảo tồn”, ông Mẫn nhận định.