Đây là chợ bò độc nhất ở khu vực miền Tây. Theo người dân địa phương kể lại, nguồn cơn dẫn đến chợ bò Tà Ngáo hoạt động nhộn nhịp như ngày hôm nay là do một số người Việt sang tận các buôn, làng của nước bạn Campuchia lùng sục mua bò về nuôi, bán lại cho dân địa phương, hay làm thịt đem ra chợ bán. Lâu dần, sóc Tà Ngáo trở thành địa điểm giao dịch mua bán bò nổi tiếng khắp vùng.
Nan giải vấn đề giao dịch ở chợ bò
Ông Nguyễn Văn Thùy (83 tuổi), quê gốc ở T.X Châu Đốc lên ấp Phú Tâm mua bán bò từ đầu năm 2000 nói: "Ngày trước, người mình hay qua Campuchia lấy bò về bán. Bây giờ, hai bên thông thương buôn bán làm ăn với nhau nên bò được người Campuchia tự đem xuống chợ bán. Người Việt ra chợ thấy ưng ý con nào thì chọn con đó. Dẫu vậy, để mua được một con bò phải nhờ đến "thông dịch viên", người dân ở đây hay gọi là "cò" ( vì hầu hết người Camphuchia xuống bán bò đều không biết nói tiếng Việt).
Ngoài biết nói tiếng nước bạn, người này phải biết cách thuyết phục cả người bán lẫn người mua bò đưa ra một mức giá ưng thuận nhất đối với con bò được giao dịch ở chợ Tà Ngáo. Mỗi lần giao dịch thành công, người "cò" sẽ nhận được mức giá từ 100-200 ngàn/1 con bò. Cho nên, ở khu vực chợ Tà Ngáo có rất nhiều người làm "cò".
Rất nhiều người mua bò ở nhiều địa phương khác nhau đổ về chợ bò Tà Ngáo
Mỗi ngày tại chợ bò Tà Ngáo có ít nhất 400-500 con bò được các thương lái Campuchia đem xuống bán. Người mua cũng đến từ nhiều địa phương khác nhau, khi đến đây họ có thể thoải mái lựa chọn, trả giá đến khi người bán đồng ý mới thôi. Tuy nhiên, không phải ai đến đây mua bò cũng chọn được những con bò ưng ý ngay từ ngày đầu tiên. Có người phải mất cả tuần lòng vòng ở chợ bò, thậm chí ra tận cửa khẩu con đường duy nhất đàn bò đi qua để quan sát nhưng vẫn không mua được con nào. Anh Trần Văn Hải (43 tuổi), quê ở tỉnh Trà Vinh bộc bạch: "Ý định là mua 7 con bò về vỗ béo. Vậy mà cả ba hôm nay ra vào chợ bò Tà Ngáo mấy phen mới mua được 4 con. Không hiểu sao, tướng bò không đẹp, thân hình cũng chẳng dài đòn vậy mà giá cả được người bán đẩy lên cao quá nên rất khó mua. Thôi ráng nán lại thêm một ngày nữa, sáng mai đến chợ sớm xem có chọn được thêm con nào nữa không rồi thuê xe chở đàn bò về luôn".
Bò vẫn bị "ế" như thường
Phối hợp với chính quyền nước bạn duy trì an ninh Ông Huỳnh Hữu Phúc, chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Tịnh Biên cho biết: "Từ khi chợ bò đi vào hoạt động quy củ, cuộc sống người dân ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Nhằm duy trì an ninh ở chợ bò cũng như khu vực cửa khẩu chính quyền xã An Phú phối hợp với ban quản lý chợ bò Tà Ngáo phải thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương nước bạn và ngược lại để trao đổi vấn đề hợp tác thông thương giữa hai bên và đề ra những biện pháp hữu hiệu nhất quản lý về dân số cũng như bảo vệ trật tự xã hội vùng giáp biên". |
Loại tiền duy nhất được giao dịch ở chợ bò là tiền Ria (tiền Campuchia). Vì thế, người mua bò phải ra các tiệm vàng, tiệm cầm đồ ở trung tâm huyện Tịnh Biên đổi tiền Việt sang đồng ria để trả cho người bán. Bên cạnh đó, do sự bất đồng về ngôn ngữ nên người bán bò lẫn người mua trao đổi làm ăn với nhau thường xuyên mà vẫn không thể biết rõ danh tính của nhau. "Sáu năm gắn bó với chợ bò Tà Ngáo, trải qua rất nhiều lần giao dịch với các thương lái Campuchia mà tôi chẳng thể nhớ nổi tên một thương lái bò nào.
Trong chợ này, tôi chỉ biết duy nhất một thương lái già cội trong nghề được người Việt mình vẫn thường gọi ông Mao nên tôi cũng theo đó gọi luôn. Nguyên nhân cũng vì họ tên của người Campuchia khá dài và rất khó đọc. Với những lý do đó nên ở chợ này ai cũng chỉ biết trông chờ vào thông dịch viên là những người Khơ Me đang sinh sống ở huyện Tịnh Biên và những cán bộ bộ đội biên phòng đang quản lý khu chợ này. "Vì nhu cầu sử dụng tiếng Campuchia trong việc mua bán bò nhiều nên ở đây nhiều người địa phương thất nghiệp bỗng phất lên nhanh chóng nhờ tiền bo lẫn tiền "cò", anh Nguyễn Hải Thanh (28 tuổi), ngụ ở ấp Phú Tâm bày tỏ.
Bò được thương lái đưa xuống chợ bán
Được biết, thời điểm giao dịch rộ nhất ở chợ bò Tà Ngáo là từ 7h -9h hằng ngày. Người mua bò đến chợ vào khoảng thời gian này rất dễ chọn cho mình những con bò sở hữu những đặc điểm tốt nhất. Những con bò khi được khách hàng mua xong sẽ được người bán đánh dấu bằng những vệt mực màu đỏ ở mông và cột ở một góc chợ chờ xe đến chở đi. Sở dĩ người bán bò làm như vậy là để tránh tình trạng người mua tranh giành hàng với nhau.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ "xô hàng" ở chợ bò Tà Ngáo chỉ có khoảng 60% thương lái bán được bò. Số còn lại không bán được đành phải gửi bò lại ở các chuồng bò được ban quản lý chợ dựng lên ở xung quanh chợ Tà Ngáo hoặc gửi ở nhà dân. Nhằm cho bò hồi lại sức sau những giờ băng qua đoạn đường dài, người bán bò lại phải đi liên hệ với "cò" nhờ mua cỏ, mua rơm giúp về cho bò ăn cầm chừng. Còn những thương lái may mắn bán hết số bò thì cùng nhau quay lại cửa khẩu về nước lấy hàng cho những lần xuống chợ kế tiếp.
Theo tìm hiểu của PV, những người bị ế "hàng" thường ra trung tâm thị trấn Tịnh Biên thuê nhà trọ, nhà nghỉ ngủ qua đêm. Đối với những thương lái có số vốn mỏng hơn thì tìm đến nhà bà con Khơ Me ở gần chợ bò Tà Ngáo hoặc các ấp lân cận trú ngụ với giá rẻ. Thậm chí, có người cả tuần liền vẫn không bán được bò đành ngậm ngùi lùa đàn bò về nước vỗ béo. Để có nguồn hàng mới đưa qua Việt Nam, họ mua lại những đàn bò khác từ một số nước như Malaysia, Thái Lan, Myanmar… đem qua Campuchia bán. "Chỉ có đất Tịnh Biên mới hay có người Campuchia thuê nhà trọ, nhà nghỉ thôi. Song, mức sống ở vùng giáp biên cũng thấp nên giá nhà trọ chỉ dao động từ 80-150 ngàn. Do đó, hầu hết những thương lái bò chưa bán hết hàng đều chọn cách ở lại, như thế người bán sẽ không tốn công đi đi về về mà còn vừa giữ được sức khỏe cho nguồn hàng của mình", ông Hai Hón (65 tuổi) chủ trang trại bò nuôi vỗ béo ở gần chợ Tà Ngáo tâm sự.
QUYÊN TRIÊU - HUÊ TRẦN