Vùng đất đổi đời nhờ buôn "thịt lợn"
Cách đây hơn 10 năm, làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) được bao quanh bởi bốn bề là đồng ruộng và những căn nhà cấp bốn lụp xụp, xiêu vẹo.
Thế nhưng, những năm gần đây vùng đất nghèo đói ấy đã được thay da đổi thịt, trở thành một trong những làng giàu có của Việt Nam.
Đến thời điểm hiện tại, người dân làng Miêng Thượng gắn bó với nghề buôn bán này đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo nghề này chỉ thực sự phát trong vòng mấy năm trở lại đây.
Làm ăn khấm khá, các hộ dân bán thịt đua nhau về xây nhà, những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế có thiết kế hiện đại mọc lên trên trục đường bê tông trải phẳng lỳ.
Người dân trong làng kể rằng, nếu như trước đây khi cả làng Miêng vay 1,5 tỷ để phát triển kinh tế người ta không dám cho mượn vì lo người dân quanh năm suốt tháng chỉ biết trông chờ vào vài sào ruộng không có tiền trả lãi ngân hàng thì giờ đây… khỏi lo. Nhà nào nhà nấy đều có của ăn của để, nhà lầu, tiền tỷ.
Nhưng điều đặc biệt là phải đến ngày Tết người ta mới thấy làng Miêng Thượng có người vào ra, còn những ngày thường, rất ít khi thấy cảnh người, xe tấp nập.
Bởi lẽ, thanh niên trong làng dắt díu vợ con, anh em lên hết thành phố để buôn bán, đó cũng chính là lý do vì sao trong làng có nhiều căn biệt thự để không, khóa trái cửa suốt ngày đêm.
Ở đây cứ đến 9h tối là hầu như không có người đi lại, bởi chỉ còn người già và trẻ con nên đóng cửa đi ngủ sớm.
Ngày thường, trong làng chỉ có trẻ con dưới 6 tuổi và các cụ già ngồi trò chuyện hoặc trông nom những căn biệt thự hoành tráng cho các con yên tâm đi chợ.
Bà Nguyễn Thị Quý (63 tuổi), cho biết: "Thanh niên từ 18 đến tầm gần 50 tuổi đều lên thành phố đi chợ, con cái cũng theo cha mẹ lên đó học hành. Chỉ khi nào ở quê có việc, không thì họ cứ làm đến 29, 30 Tết mới về".
Theo người dân thôn Miêng Thượng, người đầu tiên có công trong việc đưa bà con đến với nghề đi chợ bán thịt lợn, trong thôn ai cũng nhắc đến ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1944). Hiện nay, 3 trong số 4 người con của ông Sinh đều nối gót cha mẹ, làm giàu từ nghề buôn bán thịt.
Thời điểm từ 1997 - 1998, trung bình mỗi ngày gia đình ông bán hết 6 con lợi với mức lãi đạt 3 - 4 triệu/ngày. Tới nay, những người con của ông Sinh vẫn làm giàu theo nghề này, hiện tại tất cả con của ông đều có nhà riêng và sở hữu khối tài sản lớn.
Người con trai thứ hai của ông là Nguyễn Văn Hùng sau hơn 10 năm bán thịt lợn, đã có một cơ ngơi 3 tầng, sau đó sắm xe máy SH gần 200 triệu đồng. Không lâu sau đó, anh mua ô tô với giá 800 triệu đồng. Hiện nay, anh Hùng đang dự tính mua căn nhà ở trung tâm thành phố để tiện việc đi lại.
Cả làng thành tỷ phú
Cả làng Miêng Thượng như thay da đổi thịt, nói về điều kiện kinh tế thì khó có làng nào trong vùng sánh kịp.
Thấy gia đình ông Sinh giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó bắt đầu học theo. Nhà nào cũng vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt.
Cứ như thế, người nọ dìu dắt người kia, tính đến nay có đến hơn 90% dân số trong làng lên Hà Nội buôn bán mưu sinh. Nhiều gia đình trước đây rất khó khăn, nhưng từ ngày đi buôn thịt đã nuôi được các con lớn khôn, thành đạt, xây được nhà. Một người dân thôn Miêng Thượng cho biết, nghề này tuy vất vả, luôn tay luôn chân nhưng thu nhập cao, ít ra họ cũng đỡ vất hơn nghề làm ruộng.
Anh Hậu (SN 1987), người làng Miêng Thượng nói: Ở làng này ai cũng thế, từ 25 đến 40 tuổi đều ra Hà Nội thuê nhà bán thịt, người đi trước dắt người đi sau, em lỗ, anh cho vay, đỡ đần nhau những lúc chập chững vào nghề vì thế chẳng ai phải bỏ giữa chừng vì thiếu vốn hay vì bất cứ một điều gì khác.
Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn Miêng Thượng đã thay đổi hoàn toàn. Khắp từ đầu đến cuối thôn, những tòa biệt thự cao tầng nằm san sát, nối đuôi nhau chạy dọc trên con đường khô cằn năm xưa.
Thôn Miêng Thượng, xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội giờ đây đã trở thành làng tỷ phú với biệt thự san sát, nhiều gia đình tậu nhà đất trên trung tâm thành phố.
Quỳnh Chi (t/h theo Kiến Thức, VietNamNet)