Hai năm ấp ủ ý tưởng và một năm triển khai thực hiện, Phòng thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong Trường ĐH Bách khoa đã cho ra mắt xe máy có động cơ sử dụng được hai nhiên liệu: Xăng và LPG (gas). Trong tương lai, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng loại xe này nếu nghiên cứu trên đưa vào ứng dụng thực tế. Nó sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu và ít gây ô nhiễm môi trường.
Anh Thế Anh đang giới thiệu về hệ thống điều khiển nhiên liệu gas
Mới thí điểm ở dòng xe tay ga
Ngày 11/9, chúng tôi tìm đến trường ĐH Bách khoa để tìm hiểu về chiếc xe máy chạy bằng hai nhiên liệu vừa được nhóm nghiên cứu của trường hoàn thành. Anh Thế Anh, thành viên nhóm nghiên cứu chỉ cho sản phẩm vừa mới ra lò. Trước mắt chúng tôi là chiếc xe trông chẳng khác gì những chiếc xe tay ga thông thường khác. Chỉ trong phần cốp là có sự khác biệt khi nó được gắn thêm một bình đựng ga lớn. "Đây là chiếc bình chứa gas được làm bằng inox, được thiết kế có thể chứa 8 kg gas", anh Thế Anh giải thích.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng, giảng viên Bộ môn ô tô máy động lực, trường ĐH Bách khoa, Trưởng nhóm nghiên cứu động cơ chạy hai nhiên liệu cho biết: "Công trình nói trên lấy ý tưởng từ việc sử dụng hai nhiên liệu là xăng và gas của một số loại ôtô đời mới trên thị trường, kết hợp với sự thành công trước đó của công trình xe máy sử dụng nhiên liệu biogas cũng do trường nghiên cứu".
Trong hai năm ấp ủ ý tưởng sáng chế động cơ sử dụng hai nhiên liệu, cái khó khăn nhất là làm sao để chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm. Một sản phẩm có tính ứng dụng cao, được Nhà nước hỗ trợ và đông đảo người dân đồng tình sử dụng. Và phải mất một năm làm việc, nhóm chế tạo mới cho ra mắt loại xe máy chạy đa nhiên liệu dựa theo nguyên lý từ ôtô.
"Trên chiếc xe gốc dùng nhiên liệu cũ là phun xăng thì mình gắn thêm một hệ thống nhiên liệu khí hoạt động song song với nó. Điều quan trọng là hệ thống khí phải hoạt động ổn định, phun nhiên liệu khí và xăng phải hoạt động cùng một lúc. Đây là một dạng tự động giống như taxi chạy bằng nhiên liệu khí. Xe máy chạy bằng hai nhiên liệu nếu được đưa vào sử dụng sẽ giảm được 50% lượng khí phát thải CO ra môi trường so với sử dụng nhiên liệu truyền thống (xăng) như hiện nay. Chiếc xe máy Honda Lead sau khi thử nghiệm có thể hoạt động với nhiều chế độ như sử dụng 100% nhiên liệu lỏng, 100% nhiên liệu khí hoặc chế độ hybrid (lỏng/khí). Theo thử nghiệm, xe có thêm bình chứa gas (4kg) bên cạnh bình xăng (5 lít), có thể chạy được 500km mới hết nhiên liệu trong điều kiện bình thường. Nồng độ phát thải CO2, CO đều giảm so với khi chạy với nhiên liệu xăng truyền thống", tiến sĩ Dũng chia sẻ.
Còn theo anh Thế Anh: "Bình chứa nhiên liệu gas theo thiết kế của công trình tối đa là 8kg. Tuy nhiên, trong quá trình thực nghiệm, nhóm chỉ sử dụng bình chứa gas 4kg. Bình cung cấp gas phải được gia công đặc biệt, tính toán cẩn thận về áp suất, độ bền, chất lượng mối hàn...để đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho phương tiện khi sử dụng. Nếu đưa vào ứng dụng, chúng tôi sẽ liên hệ với một cơ sở sản xuất chuyên nghiệp để có được những bình ga đạt tiêu chuẩn chất lượng cao nhất ".
Trong quá trình thực hiện, nhóm cũng gặp không ít khó khăn, đó là làm thế nào để xe chạy ổn định, tiếng nổ êm, tỷ lệ phun gas là bao nhiêu, thời điểm nào là thích hợp đều được nghiên cứu cẩn thận. Chất lượng xăng và gas cũng phải ổn định. Vì chỉ cần khác chất lượng chuẩn một chút là nhóm phải tính toán lại từ đầu khi thực nghiệm. Trước mắt, để có thể sử dụng được hai nhiên liệu, người sử dụng có thể tận dụng khoảng trống ở cốp của các loại xe tay gas làm bình nhiên liệu chứa khí gas. Tuy nhiên, nếu có mẫu thiết kế bình chứa gas nhỏ hơn thì hoàn toàn có thể lắp đặt được ở tất cả các dòng xe, kể cả xe số.
Vướng nhiều "nút thắt cổ chai"
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện thiết bị này để phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Khi chúng tôi đặt vấn đề "Với những ưu điểm như vậy thì sản phẩm này có được ứng dụng rộng rãi hay không?", tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng thừa nhận có những vướng mắc. Đó là các trạm cung cấp gas chưa được hình thành. Tại Thái Lan họ có rất nhiều trạm nạp khí dành cho xe ô tô chạy bằng nhiên liệu gas nhưng ở Việt Nam thì rất thiếu các trạm này. " Mặt khác, nếu đưa vào sử dụng, kinh phí chuyển đổi bộ phụ kiện ban đầu sẽ cao, chưa phù hợp với số đông người dân có mức thu nhập thấp. Làm thế nào để thay đổi thói quen tiêu thụ của người dân để họ chấp nhận sử dụng xe máy chạy bằng hai nhiên liệu không đơn giản. Nếu không có cơ chế, chính sách ưu đãi sẽ không thể thực hiện", tiến sĩ Dũng cho hay.
Một số ý kiến cho rằng với tình trạng giá gas còn cao và bấp bênh như hiện nay thì việc lôi kéo người dân sử dụng xe chạy bằng gas cũng không hề đơn giản. Chị Võ Thị Hoài, ngụ đường Trần Văn Đang, quận 3, TP.HCM cho biết: "Hiện tại giá gas đang thả nổi, biến động theo thị trường gas thế giới. Tôi lo ngại, nếu thiết kế trên được đưa vào sử dụng, giá gas có thể sẽ tăng hơn giá xăng. Đó là chưa kể hệ thống trạm nạp gas, sửa chữa khi hư hỏng thiết bị, chế độ bảo hành và quan trọng nhất là mức độ an toàn của bình gas khi đặt trên xe".
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lo lắng, nhiều người cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào nghiên cứu trên. Trước áp lực đô thị hóa, số lượng xe gia tăng một cách chóng mặt, những ứng dụng nêu trên sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí cho người dân. Hiện tại, chiếc xe này còn đang trong quá trình thử nghiệm nhưng hứa hẹn tung ra thị trường nóá sẽ là một chiếc xe thông minh và thân thiện với môi trường
Cần một số sự hỗ trợ và thay đổi Nếu ứng dụng nghiên cứu này, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dũng mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ giá gas chạy xe máy để khuyến khích người dân tham gia. Đồng thời, quy định xe máy sản xuất tại Việt Nam phải chế tạo thêm một bình chứa gas đi kèm bên trong thân xe trước khi xuất xưởng. Như vậy, người mua sẽ không phải lắp thêm một bình nhiên liệu nữa. |
Công Thư