Sưa đỏ là loại cây quý hiếm và có giá trị cao. Việc thuần hoá trong chậu cũng cần kỹ thuật riêng vì cây vốn quen sống trong rừng.
Cây sưa được rao bán hơn 1,4 tỷ đồng của một nhà vườn ở Đồng Nai. Theo tờ Nhịp đập kinh tế, cây có đường kính thân khoảng 30-40cm, chiều cao hơn 1 mét.
Thoạt nhìn, hầu hết phần gốc đã lũa, tưởng chừng như không còn sức sống nhưng khi chạm vào, gốc cây cứng, không hề mối mọt, mục nát, phần gỗ sáng bóng, hiện rõ các vân màu nâu đỏ. Đặc biệt, chậu bonsai sưa đỏ này còn có mùi thơm dễ chịu.
Không giấu được niềm tự hào khi nói về chậu bonsai sưa đỏ có giá trị cả tỷ đồng, anh Hoàng Tuấn (42 tuổi, nhân viên của nhà vườn đến từ Đồng Nai) tiết lộ đây là báu vật có một không hai của nhà vườn. Tuổi đời của cây thuộc hàng lâu năm mới có được gốc và cành lớn như vậy. Điểm đặc biệt của chậu bonsai sưa đỏ còn là mùi thơm dễ chịu.
"Chỉ cần dùng máy lũa hoặc một vật cứng cạo lên lớp ngoài của gỗ sưa sẽ thấy gỗ có màu đỏ mà không cần sơn hay làm bất cứ điều gì. Phần thớ gỗ lộ ra có mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu", anh Tuấn cho hay.
Gỗ sưa đỏ được nhiều người truyền tai nhau là một loại hương liệu được người Trung Quốc từ xưa dùng để ướp xác giới quý tộc, đồng thời có thể làm khí cụ trừ tà đuổi ma và trấn yểm. Một số sách của Trung Quốc cũng xem gỗ sưa đỏ có những công dụng y tế nhất định như cầm máu, giảm đau, chống huyết áp, bệnh đường ruột, nhuận khí, chứa bễnh tim và hoạt huyết.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo chí từng cho biết, cả phía các chuyên gia Việt Nam và Trung Quốc đều không tìm ra lí do tại sao gỗ sưa đắt đến như vậy đồng thời cũng không phát hiện ra giá trị thảo dược nào trong loại gỗ này.
T.H (tổng hợp)