Nga tuyên bố mở rộng mục tiêu quân sự ra ngoài khu vực Donbass
Ngoại trưởng Sergei Lavrov ngày 20/7 tuyên bố, mục tiêu quân sự của Nga hiện không chỉ tập trung vào miền Đông Ukraine, khi viện trợ từ phương Tây đã thay đổi tính toán của Điện Kremlin.
“Mục tiêu về địa lý giờ đã thay đổi. Nga không chỉ tập trung vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Luhansk (LNR), mà còn cả khu vực Kherson, Zaporizhzhia và rất nhiều vùng lãnh thổ khác”, AFP dẫn lời ông Lavrov nói trong một bài phỏng vấn. “Quá trình này vẫn đang tiếp tục, nhất quán và bền bỉ”.
Vị quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, các mục tiêu của Nga sẽ còn mở rộng hơn nữa nếu các đồng minh phương Tây của Kiev tiếp tục cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Moscow có ý định chiếm đóng lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, mục tiêu của chiến dịch là “giải phóng Ukraine khỏi thế lực phát xít”, phi quân sự hóa đất nước này, không để Kiev đưa binh sĩ và trang bị NATO đến sát biên giới nước Nga và sử dụng các căn cứ quân sự của nước này làm bàn đạp chống Nga.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, Mỹ cùng các nước phương Tây đã hỗ trợ Ukraine cả về tài chính và vũ khí. Hiện, phương Tây đã chuyển giao hoặc cam kết dành cho Kiev trên 10 tỷ USD viện trợ quân sự, trong đó có tên lửa vác vai, xe bọc thép, các loại súng trường và đạn dược…
Nga sẽ cứng rắn hơn nếu nối lại đàm phán với Ukraine
Ông Leonid Slutsky, lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDPR) tại Duma Quốc gia Nga, cũng là một thành viên của nhóm đàm phán Nga cho hay, Moscow sẽ đưa ra những yêu cầu khắc nghiệt hơn nếu các cuộc đàm phán về việc giải quyết xung đột Ukraine được nối lại trong tương lai. “Giờ đây, các điều kiện mà chúng tôi đưa ra sẽ khó khăn hơn, liên quan đến các điều khoản phi quân sự hóa và phi phát-xít hóa, sẽ cứng rắn hơn cả về bản chất và khung thời gian thực hiện”, ông Slutsky nói. Đồng thời cho biết, hiện tại, Kiev không tỏ ra muốn nối lại các cuộc đàm phán.
Trước đó, hôm 18/7, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cũng đề cập khả năng nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, nói rằng các yêu cầu của Nga sẽ khác nếu hai bên ngồi vào bàn đàm phán ngay bây giờ. Tuy nhiên, ông Ushakov nhận định: “Hiện tại, cả Kiev và các nước phương Tây đều không quan tâm đến vấn đề này”. Tiến trình đàm phán hòa bình đã bị trì hoãn sau cuộc gặp cuối cùng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ cuối tháng 3. “Sau đó, phía Ukraine không duy trì bất kỳ liên lạc nào với chúng tôi”, ông Ushakov nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không loại trừ “khả năng đàm phán”, nhưng ông tin rằng “không có lý do gì” để đàm phán ngay bây giờ.
EU cấm nhập vàng Nga
Hôm 20/7, Đại sứ Litva Arnoldas Pranckevicius cho biết, Ủy ban đại diện thường trực các quốc gia EU (COREPER) thông qua gói trừng phạt kinh tế thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm vận vàng. "Các lệnh trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu vàng, mở rộng danh sách đen, bổ sung lệnh trừng phạt tài chính, thương mại".
Cụ thể, theo gói trừng phạt mới, EU sẽ cấm nhập khẩu vàng từ Nga dưới dạng bán thành phẩm và phế liệu. Bên cạnh đó, EU cũng bổ sung 48 cá nhân và tổ chức của Nga vào "danh sách đen" bị đóng băng tài sản và/hoặc cấm nhập cảnh. Trong đó, EU sẽ đóng băng tài sản của Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga. Theo lãnh đạo EU, gói trừng phạt mới giúp việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó hiệu quả hơn và gia hạn các điều khoản đến tháng 1/2023.
EU liên tục đưa ra các gói trừng phạt chống lại Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hồi tháng 6, EU đã thông báo ngừng nhập khẩu dầu mỏ Nga qua đường biển. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép với Nga thông qua việc chặn nguồn thu quan trọng của nước này từ ngành năng lượng.
Trong khi đó, các nước phương Tây cũng đang xem xét áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga nhằm tìm cách hạn chế nguồn thu của Nga mà không làm ảnh hưởng đến nguồn cung hoặc khiến giá tăng cao. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Đức cuối tháng trước, lãnh đạo các nước phương Tây đã thống nhất xem xét các phương án áp giá trần, như cấm bảo hiểm và vận chuyển dầu cũng như các sản phẩm từ dầu của Nga, trừ khi giá bán dưới mức trần. Theo nguồn tin của Bloomberg, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc giới hạn giá dầu của Nga ở ngưỡng 40-60 USD/thùng.
Phát biểu trên truyền hình hôm 20/7, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga sẽ ngừng cung cấp dầu cho thị trường thế giới nếu bị áp giá trần. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cảnh báo kế hoạch của phương Tây khi áp giá trần lên dầu Nga như một phần trong các biện pháp trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine sẽ chỉ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm bất ổn và giá cả tăng cao.
Nga nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây áp trừng phạt với ngành năng lượng của Nga không khác nào "tự sát".
Đệ nhất phu nhân Ukraine đến Mỹ đề nghị cung cấp thêm vũ khí
Đệ nhất phu nhân Ukraine đang ở thăm Washington, nơi bà đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tại Nhà Trắng. Hôm 18/7, bà Zelenska gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 20/7, Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska đã đề nghị Washington cung cấp thêm vũ khí cho Kiev. Bà Zelenska nói rõ: “Vũ khí này sẽ không được sử dụng để gây chiến trên lãnh thổ của người khác, mà để bảo vệ ngôi nhà và quyền được sống để thức dậy trong ngôi nhà đó".
Theo Đệ nhất phu nhân Ukraine, bà "đề nghị Mỹ cung cấp những hệ thống phòng không để tên lửa không giết trẻ em trong xe nôi của chúng tôi, để tên lửa không phá hủy căn phòng trẻ em và giết hại toàn bộ các gia đình”. Bà Zelenska cũng cảm ơn sự giúp đỡ của Washington và bày tỏ hy vọng các quyết định của Quốc hội Mỹ về hỗ trợ bổ sung cho Ukraine sẽ được thúc đẩy.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhận định, xung đột ở Ukraine đang ở vào giai đoạn quan trọng và phương Tây sẽ tiếp tục viện trợ quân sự lâu dài cho Kiev. Ông Austin lưu ý, tại “thời điểm quan trọng của cuộc xung đột, sự hỗ trợ tập thể dành cho Ukraine là rất quan trọng và cấp bách. Nga cho rằng, họ có thể vững vàng hơn Ukraine, trụ lâu hơn chúng ta. Tuy nhiên, đây chỉ là những 'tính toán sai lầm' gần đây nhất của Moscow”.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cam kết sẽ “tiếp tục tìm ra những cách thức sáng tạo để hỗ trợ lâu dài cho Ukraine”. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trong đó bổ sung 4 hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn dùng cho HIMARS và pháo binh.
Mỹ: Khoảng 15.000 lính Nga thiệt mạng tại Ukraine
Theo Giám đốc CIA, Moscow đã mất 15.000 binh sĩ trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời cho biết, Kiev cũng chịu thương vong tương tự. "Ước tính mới nhất của cộng đồng tình báo Mỹ là khoảng 15.000 lính Nga thiệt mạng, trong khi số binh sĩ bị thương có thể cao gấp ba lần. Phía Ukraine cũng chịu thiệt hại nặng nề, có khả năng thấp hơn một chút, nhưng vẫn là mức độ thương vong đáng kể", Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado hôm 20/7.
Ông Burns cho rằng, Nga đã học được nhiều bài học quan trọng sau khi rút lực lượng bao vây Thủ đô Kiev và miền Bắc Ukraine hồi tháng 3. "Quân đội Nga đang áp dụng hình thái chiến sự phù hợp với họ, đó là tận dụng ưu thế hỏa lực pháo binh để phá hủy các mục tiêu Ukraine, bù đắp thiếu hụt về nhân lực mà họ phải đối mặt", giám đốc CIA nói.
Nhận định được trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã diễn ra gần tròn 5 tháng, lực lượng Nga đang kiểm soát khoảng 20% diện tích nước láng giềng. Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Lần gần đây nhất Nga công bố thương vong trong chiến dịch quân sự tại Ukraine là ngày 25/3, khi Bộ Quốc phòng Nga thông báo 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng. Chính quyền Ukraine không tiết lộ con số cụ thể, nhưng hồi tháng 6 cho biết có 100-200 binh sĩ thiệt mạng mỗi ngày trong giai đoạn cao điểm của chiến sự tại miền Đông.
TÚ ANH (T/h)