Năm 2025, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã công bố kế hoạch kinh doanh thông qua tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên với những mục tiêu đầy tham vọng, kế hoạch hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận được đưa ra, phản ánh sự lạc quan và quyết tâm vượt qua thách thức để đạt được tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh kinh tế đang dần phục hồi, nhiều doanh nghiệp hướng đến việc mở rộng quy mô, gia tăng lợi nhuận và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Song cũng không ít doanh nghiệp nhận định nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên đề ra kế hoạch kinh doanh thận trọng.
Kỳ vọng lãi nghìn tỷ từ tín hiệu tích cực của thị trường
Một trong những doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng trong năm 2025 là Tập đoàn Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC).
Công ty đặt mục tiêu doanh thu lên đến 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 3 và 7 lần so với thực hiện năm 2024.
Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cho thấy sự kỳ vọng lớn vào khả năng thu hút đầu tư và mở rộng hoạt động của Kinh Bắc trong năm tới.
Kinh Bắc cho biết từ đầu năm 2025, các khu công nghiệp của công ty đều đón nhận tín hiệu tích cực về pháp lý của các dự án và thu hút đầu tư.
Do đó, công ty dự kiến tổng diện tích cho thuê năm 2025 có thể đạt 200ha đến từ khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, cụm công nghiệp Hưng Yên, KCN Tràng Duệ 3, đồng thời ghi nhận doanh thu từ nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh, nhà ở xã hội khu đô thị Tràng Duệ và tiếp tục xây dựng các tòa nhà ở xã hội tại 2 dự án.

Kinh Bắc cho biết từ đầu năm 2025, các khu công nghiệp của công ty đều đón nhận tín hiệu tích cực.
Năm 2025, Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) cũng lên kế hoạch tổng doanh thu hơn 14.437 tỷ đồng trong năm 2025 và lợi nhuận trước thuế 1.743 tỷ đồng, tăng 57%.
Trong năm 2024, Viglacera được chấp thuận chủ trương đầu tư 3 khu công nghiệp (KCN), gồm KCN Trấn Yên (giai đoạn 1) diện tích 254ha tại tỉnh Yên Bái, KCN Dốc Đá Trắng tại Khánh Hòa diện tích 288ha, cuối cùng là KCN Sông Công II (giai đoạn 2) diện tích 296ha tại Thái Nguyên.
Các dự án trên dự kiến sẽ đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2025.
Đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR), công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 27.494 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 4.658 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 3.929 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với năm trước.
GVR chia sẻ tập đoàn đang tập trung vào việc nâng cao hiệu suất sản xuất, tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh xuất khẩu để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Hay như tại CTCP Tập đoàn FPT (HoSE: FPT), doanh nghiệo này cũng đặt ra tham vọng thu về 75.400 tỷ đồng doanh thu và tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 20% và 21% so với thực hiện năm 2024.
Nếu hoàn thành, đây sẽ là năm thứ 5 liên tiếp FPT duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% mỗi năm.
Để đạt được các mục tiêu này, FPT cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào việc mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản. Sau khi đạt doanh thu nửa tỷ USD tại thị trường này, FPT đặt mục tiêu nâng con số lên 1 tỷ USD và lọt vào top 15 công ty công nghệ hàng đầu tại Nhật Bản vào năm 2027.
E dè lên kế hoạch lợi nhuận đi lùi
Ở chiều ngược lại, Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) lại có kế hoạch thận trọng hơn khi dự báo doanh thu giảm 20%, xuống còn 7.200 tỷ đồng trong năm 2025.
Lợi nhuận sau thuế cũng giảm 16%, đạt 530 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn đặt mục tiêu duy trì hoạt động khoan dầu ổn định, tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh ngành dầu khí còn nhiều biến động.
Cùng là doanh nghiệp thuộc "họ" dầu khí, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HoSE: PVT) cũng đặt ra mục tiêu kinh doanh thụt lùi so với năm 2024.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 của PVTrans đề ra ở mức 1.200 tỷ đồng, giảm 33% so với thực hiện năm 2024.
Kế hoạch này được đề ra trong bối cảnh PVTrans dự kiến đối mặt với nhiều thách thức khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo chỉ đạt 2,7%, thị trường vận tải dầu thô và LPG có dấu hiệu giảm tốc do nhu cầu tại các nền kinh tế lớn suy yếu.
Cũng e dè trong việc đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2025, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) đã đề ra mục tiêu lãi đi lùi gần một nửa so với kết quả đạt được trong năm 2024, chỉ còn 774 tỷ đồng và tổng doanh thu 13.983 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2024
Như vậy, mặc dù đề ra kế hoạch doanh thu tăng trưởng nhưng doanh nghiệp đại đặt mục tiêu lãi đi lùi.
Doanh nghiệp nhận định tình hình chính trị thế giới năm 2025 được dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạp, nhưng nền kinh tế nhiều khả năng sẽ phục hồi.
Dù vậy, doanh nghiệp cho biết rủi ro 2025 sẽ đến từ giá khí có khả năng tiếp tục neo cao, làm đội chi phí hoạt động. Đồng thời, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng tình trạng hạn hán, ngập lục, dịch bệnh… ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đã có động thái dè dặt tương tự như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) giảm mục tiêu doanh thu và lợi nhuận xuống còn 95.600 và 2.176 tỷ đồng, lần lượt giảm 17% và 70% so với thực hiện năm 2024; CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) đặt mục tiêu lãi vỏn vẹn 30 tỷ đồng trong năm 2025, trong khi năm 2024 doanh nghiệp đang đề ra mục tiêu lãi tới hơn 80 tỷ đồng;...