Kể từ khi bóng đá Việt Nam đi lên chuyên nghiệp, chúng ta đã đón chào một lượng lớn cầu thủ nước ngoài đầu quân cho các đội bóng đang chơi ở V.League hay Hạng nhất và họ thi đấu khá tốt, góp phần không nhỏ vào những thành công của các đội bóng.
Trong số đó, không ít cầu thủ nước ngoài đã thi đấu lâu năm ở Việt Nam và đem lòng yêu mến mảnh đất hình chữ "S" nên đã xin làm công dân và nhập Quốc tịch Việt Nam. Trong số những cái tên đình đám đó, chúng ta có thể kể ra được khá nhiều cái tên như Hoàng Vũ Samson, Huỳnh Kesley Alves, Nguyễn Van Bakel, Đinh Hoàng Max và nhiều cầu thủ khác. Điểm chung mà họ đều có là khao khát được cống hiến cho ĐTQG Việt Nam, quê hương thứ hai của mình.
Thế nhưng, họ không được chúng ta tạo cơ hội để được thi đấu trong màu áo ĐTQG Việt Nam bởi có lẽ vì "bóng ma" mà họ tạo ra đã ám ảnh NHM Việt Nam trong những năm về trước. Còn nhớ, năm 2008 thủ thành Phan Văn Santos (gốc Brazil) cũng đã được triệu tập lên ĐTQG để thi đấu với Olympic Brazil nhưng ở trận đấu đó, NHM bóng đá Việt Nam tỏ ra khá bức xúc và cho rằng cầu thủ này không tôn trọng màu cờ sắc áo vì cầu thủ này đã nhập Quốc tịch Việt Nam nhưng không hát Quốc ca Việt Nam mà lại hát rất nhiệt tình khi Quốc ca Brazil vang lên.
Ngoài ra những Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La hay Huỳnh Kesley Alves cũng đã được trao cơ hội ở những giải đấu giao hữu nhưng cũng không thể hiện được quá nhiều. Chính vì lẽ đó mà từ đó đến nay, những cầu thủ nhập tịch vì nhiều lý do khác nhau đã không còn được triệu tập lên tuyển nữa.
Tuy nhiên, thời gian trôi qua thì mọi thứ cũng thay đổi. Ngày nay, các cầu thủ nhập tịch cũng rất khao khát và lên tiếng được cống hiến, thi đấu cho ĐTQG Việt Nam như Hoàng Vũ Samson hay Nguyễn Van Bakel. Nói về chuyên môn thì họ không hề thua kém các cầu thủ Việt kiều. Bên cạnh đó một điểm mạnh mà họ hơn hẳn những cầu thủ Việt kiều nằm ở việc họ quá am hiểu bóng đá và lối chơi của bóng đá Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng vì sao HLV Park Hang-seo đồng ý lặn lội sang tận Nauy để "xem giò" một cầu thủ chưa có quốc tịch Việt Nam là Alexander Đặng mà không sử dụng một lực lượng cầu thủ nhập tịch dồi dào hiện đang thi đấu ở các CLB tại V.League. Một trong những ý kiến khác lại cho rằng cách làm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo khi chỉ để mắt đến các cầu thủ Việt kiều còn không đoái hoài gì đến các ngoại binh đã nhập tịch là không công bằng.
Thế nhưng, xin khẳng định rõ rằng các cầu thủ nhập tịch chỉ trên danh nghĩa là người Việt Nam thôi chứ dòng máu đang chảy trong người họ không một chút nào liên quan đến chúng ta còn những cầu thủ Việt kiều thì lại khác. Dù hiện nay họ chưa có quốc tịch Việt Nam nhưng dẫu sao trong họ vẫn có dòng máu "Lạc Hồng" khi có bố hoặc mẹ là người Việt nên có thể xem họ là có một nửa là người Việt Nam.
Mặt khác, những cầu thủ có bố hoặc mẹ là người Việt Nam hiện sinh sống và thi đấu ở nước ngoài luôn hướng về tổ quốc và khao khát được cống hiến cho màu áo ĐTQG còn các cầu thủ nhập tịch thì khác. Họ nhập tịch nhiều khi không phải là do khao khát được cống hiến cho ĐTQG mà chỉ đơn thuần là do các CLB muốn hợp pháp hóa để những đội bóng này có thêm được sự phục vụ của các ngoại binh khác. Hiện nay, mỗi đội bóng tham gia V.League được phép có 2 đến 3 cầu thủ ngoại được ra sân thi đấu cùng một cầu thủ nhập tịch. Nếu tận dụng tốt thì ít nhất họ đã có 4 cầu thủ ngoại trên sân thì việc tranh chấp và ghi bàn sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nếu triệu tập các cầu thủ nhập tịch lên tuyển thì sẽ mất đi màu cờ sắc áo cũng như bản sắc của ĐTQG Việt Nam nên cần hạn chế tối đa gọi họ lên tuyển. Mặt khác, NHM bóng đá Việt Nam cũng như các lãnh đạo của VFF cũng không mặn mà với những cầu thủ nhập tịch. Vậy nên, HLV Park Hang-seo chỉ quan tâm đến cầu thủ Việt kiều, còn cầu thủ nhập tịch thì còn phải chờ đợi ở tương lai.
Giờ đây, sử dụng cầu thủ nhập tịch cũng là xu hướng của thế giới và các cầu thủ nhập tịch ở Việt Nam cũng rất khát khao được cống hiến cho quê hương thứ hai của mình. Vậy tại sao chúng ta không suy nghĩ thoáng hơn, tạo cơ hội và điều kiện cho họ được cống hiến nếu như họ có năng lực, đẳng cấp và thực sự coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình?