Tăng trưởng cao nhất 11 năm
Ngày 27/12, Chính phủ công bố mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 là 7,08%. Đây là mức GDP cao nhất của Việt Nam kể từ mốc khủng hoảng kinh tế 2008, Việt Nam nhiều khả năng lọt vào nhóm 15 nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6,6-6,8% trong năm 2019.
Đánh giá về thành tựu trên, tại toạ đàm "Việt Nam - Kinh tế chính sách và cải cách thể chế năm 2018, dự báo 2019" do CLB Cafe số tổ chức sáng nay, chuyên gia Kinh tế, Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định: "Trước hết đây là tín hiệu rất đáng mừng, tạo tâm lý lạc quan cho nền kinh tế đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động".
"Thành quả trên thể hiện đúng sự quyết tâm của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư… Bên cạnh đó, để đạt được ngưỡng tăng trưởng cao trong năm 2018, chúng ta còn phụ thuộc vào tín hiệu tích cực trong sự hồi phục chung của kinh tế thế giới", TS. Võ Trí Thành phân tích.
Cơ hội và thách thức trong trong 2019
Về thuận lợi, ông Thành cho hay: "Ngay trong đầu năm 2019, nước ta sẽ hội nhập sâu vào sân chơi quốc tế, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực trong tháng 1. Có thể trong đầu năm 2019, Việt Nam và EU cũng sẽ ký tiếp hợp tác thương mại, khi đó nền kinh tế nước ta sẽ rất mở. Đây là cơ hội lớn cho việc mở rộng thị trường, với những mặt hàng thế mạnh như nông-lâm-thuỷ sản, dệt may, da giày... Đồng thời cũng là cơ hội để ta tiếp cận với khoa học kỹ thuật từ các nước công nghiệp hàng đầu.
Chính phủ vẫn khẳng định quyết tâm bứt phá và cải cách, tạo điệu kiện ưu tiên phát triển kinh tế trong 2019. Với vị trí địa chiến lược, đầu tư quốc tế cả trung và dài hạn vào nước ta vẫn được dự báo tốt.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong ngắn hạn sẽ tác động tạo cơ hội chuyển hướng thương mại-đầu tư của các tập đoàn lớn sang Việt Nam. Trong đó các nước xung quanh như Hàn Quốc cũng đưa ra chiếc lược phía Nam hướng tới ASEAN, Ấn Độ. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp rất lạc quan vào sự tăng trưởng cũng như sự ổn định nền kinh tế nước ta".
Về thách thức trong 2019, ông Thành cho biết, nhiều chuyên gia quốc tế dự đoán kinh tế thế giới có thể chững và giảm trong 2019, 2 đối tác thương mại lớn của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ cũng được dự bảo giảm, bởi những biến động kinh tế-chính trị toàn cầu.
Những diễn biến bất lợi và khó lường với giá cả hàng hoá, đặc biệt là giá dầu cũng sẽ là thách thức đối với chúng ta trong năm tới. Bởi như năm 2018, giá dầu diễn biến khó lường, hồi tháng 10 vừa qua giá dầu tăng mạnh lên 30%, ngoài dự báo của tất cả các nước. Đến cuối năm, khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt Iran, thế giới lại dự báo giá dầu tăng, nhưng thực tế lại giảm.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Trung đã bước sang hiệp thứ ba và tính chất căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu dịu nhiệt. Nhiều đồng tiền trên thế giới đã giảm giá đáng kể, ví dụ như đồng rupee của Ấn Độ đã giảm khoảng 14%, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá gần 10%, đồng euro gần 9%, đồng yên Nhật hơn 7%, đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc cũng mất giá từ 4-6%.
"Trong khi Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kết quả cuộc chiến thương mại sẽ tác động rất lớn đến nước ta.
Bởi vậy cần có những tính toán kỹ lưỡng, sẵn sàng cho những kịch bản có thể xảy ra. Bài học đầu 2018, khi đó hào hứng với thị trường tài chính chứng khoán lên 2.000 điểm thì cuối năm chỉ còn xoay quanh ngưỡng 900 điểm", vị chuyên gia cảnh báo.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, từ 2019 Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký, nhất là các cam kết về mở cửa thị trường, cắt giảm thuế, sở hữu trí tuệ… mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ nước ngoài nhưng đồng thời cũng là áp lực không nhỏ đối với khu vực kinh tế trong nước.
"Trong khi đó, trình độ thay đổi công nghệ của các DN nội còn yếu và phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam đang yếu dần. Việc gia nhập CTPPP giúp những ngành hàng thế mạnh của ta như nông-lâm-thuỷ sản tiếp cận thị trường rộng lớn.
Tuy nhiên, sản phẩm của ta có đáp ứng được tiêu chí của họ hay không vẫn còn là thách thức, khi công nghệ, săn bắt, chế biến của ta còn bị đánh giá lạc hậu. Bên cạnh đó, ta cũng phải mở cử thị trường cho sản phẩm của họ. Bởi vậy hội nhập luôn tồn tại song song cơ hội và thách thức”, bà Lan thẳng thắn.
Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng trong năm 2019, bà Lan cho biết: “Mục tiêu tăng trưởng 6,6% hay 6,8% là sự kế thừa thành tựu của năm 2018 và căn cứ vào những dự đoán tình hình trong năm tới để Chính phủ đặt ra.
Nếu những chiến lược kinh tế đúng cộng với điều kiện quốc tế thuận lợi trong năm 2019, có thể còn đạt được tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra”.