Mức xử phạt nào dành cho người lớn vụ cháu bé 10 tuổi lái xe tải?

Mức xử phạt nào dành cho người lớn vụ cháu bé 10 tuổi lái xe tải?

Đỗ Thị Huệ

Đỗ Thị Huệ

Thứ 2, 19/03/2018 19:30

Vụ cháu bé 10 tuổi lái xe tải ở Thanh Hóa đang gây xôn xao dư luận được xem là hành vi đặc biệt nguy hiểm đến những người cùng tham gia giao thông. Theo luật hiện nay, người giao xe cho cháu bé sẽ bị xử lý rất nặng.

Những hình ảnh về việc một cháu bé khoảng 10 tuổi điều khiển xe tải BKS 36M-3224 đi trên đường phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, bên cạnh là một người lớn được đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người phải thất kinh. 

Kinh hãi chú ruột cho cháu trai 10 tuổi lái xe tải lượn phố

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh, đoàn luật sư Hà Nội cũng đã có những chia sẻ dưới góc độ pháp lý về vụ việc này.

Theo những thông tin được đăng tải và hình ảnh trên clip cho thấy, người điều khiển xe tải là một bé trai chừng 10 tuổi. Quy định tại Khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ thì người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi.

“Như vậy, chắc chắn bé trai kia không đủ điều kiện để được cấp giấy phép lái xe tại thời điểm cầm lái như kể trên”, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết.

Cũng theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người giao xe hoặc để cho bé trai lái xe trong clip sẽ bị xử phạt như sau:

"Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ

Khoản 7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điểm đ. Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 (đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô), Khoản 1 Điều 62 của Luật Giao thông đường bộ (đối với xe máy chuyên dùng) điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng)

Trong trường hợp người giao xe hoặc để cho bé trai lái xe tải gây tai nạn thì sẽ bị xử lý hình sự theo theo Điều 264, Bộ luật hình sự về tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Mức xử phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 7 năm tù và bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng.

Ngoài ra, theo một số thông tin cho biết, chiếc xe tải trong trường hợp kể trên đã hết hạn đăng kiểm từ tháng 1/2018. Vì vậy, theo quy định tại Điểm e, Khoản 5, Điều 16 Nghị định 46 thì người “điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ mooc và sơ mi rơ mooc)" sẽ bị phạt hành chính từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Đây là mức phạt dành cho chủ xe.

Ngoài ra, chủ xe chậm đăng kiểm hơn 1 tháng còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (quy định tại Điểm a, Khoản 6, Đều 16, Nghị định 46).

“Rất may, trong trường hợp này, cháu bé lái xe đã không gây ra tai nạn đáng tiếc nào. Tuy nhiên, đây cũng là một bài học cảnh báo đáng để người lớn phải suy ngẫm về mức độ nguy hiểm có thể dẫn đến khi giao phương tiện cho trẻ nhỏ”, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết.

Bộ luật Hình sự 2017 quy định:

Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thươngcơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thươngcơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.