Một người quen của tôi bị tai nạn mất thị giác. Một hôm tôi đến thăm, thấy chị đang ngồi trong vườn, tôi tự mở cổng vào, bước rất nhẹ nhàng trên lối cỏ. Trước khi tôi lên tiếng chào, đã nghe chị gọi tên tôi. Hẳn là chị nghe tiếng cài cửa lách cách, bước chân người đến gần, nhưng làm sao biết đó là tôi thay vì một người hàng xóm? Chị cười nói chị ngửi thấy mùi của tôi.
Tôi không đến nỗi giật mình. Tôi biết ai cũng có mùi. Hồi ở Pháp, tôi cứ phải ôm hôn xã giao các ông tây bà đầm. Gặp nhau là ôm hôn chụt chụt, nới vài ba câu rồi chia tay lại ôm hôn chụt chụt. Lúc đó tôi nhận ra mỗi người đều có mùi riêng, dù xài chung một hiệu nước hoa, và tôi đã tự hỏi người ta ngửi thấy ở tôi mùi gì? Nay nghe bạn nói, tôi vội hỏi ngay mùi của tôi ra sao. Chị nói là khó nói lắm, một mùi gì đó chỉ thoảng qua nhưng chị lập tức nhận ra tôi.
Khó nói thật – nhưng nói chung cũng đừng nói với ai là họ có … mùi. Coi điều đó như một riêng tư bí ẩn của người ta. Mùi của người thấm vào áo quần giường chiếu và vật dụng khác của người đó trong nhà, nên cái nhà cũng có mùi của gia chủ. Mùi của người sống độc thân, hoặc tổng hợp mùi của những người ở chung trong nhà.
Nhiều người ý thức về cái mùi nhà và muốn giữ nó riêng tư như mùi bản thân. Chị dâu tôi mỗi lần mời khách đến nhà đểu làm tổng vệ sinh trướcc, giặt hết các thứ rèm cửa sổ, thay hết khăn bàn, vải bọc ghế. Những thứ không thay được chị đều xịt một thứ nước hoa dùng cho nhà cửa. Tôi có nhận xét là mọi thứ đều sạch sẽ, nhưng chị bảo mỗi nhà đều có mùi riêng, nhứt là căn nhà mình đã sống mấy chục năm, chắc chắn thấm đẫm mùi của mình. Với người thân yêu thì cái mùi đó có thể tạo cảm giác quen thuộc, thoải mái, gần gũi, tin cậy. Với người khác có thể là mùi khó chịu. Dù sao thì chị cũng không muốn người khác nói về mùi nhà chị. Khách đến sẽ chỉ ngửi thấy mùi nước hoa phổ biến, như một thứ ngụy trang, như người ta mang son phấn trên mặt vậy.
Tôi có một quan điểm khác chị về mùi nhà. Tôi thích bước vào một căn nhà và hít thật sâu để cảm nhận mùi vị của cuộc sống trong ngôi nhà ấy. Nhà xứ lạnh thường phải đóng kín, nên giữ được mùi trong nhà khá lâu. Ở ngoài trời lạnh, có khi tê cả các giác quan, bước vào một căn nhà có người ở, cảm nhận được không khí ám áp là một hạnh phúc. Tôi không nói với gia chủ về mùi những căn nhà mình được mời vào, nhưng tôi luôn ghi nhận, và cái mùi đó thường gợi nhớ sau này một bữa tối vui vầy, một bữa ăn ngon, hay một câu chuyện tâm tình.
Khi trở về nhà mình vào những buổi chiều cuối năm, việc đầu tiên lúc tôi mở cửa vào là hít một hơi sảng khoái. Một cảm giác an toàn, êm ấm, tự do khiến mình quên hết chuyện ngoài đường, chuyện đã qua. Tôi không biết có cơ sở khoa học không, nhưng có lẽ một số mùi kích thích não mình phát tín hiệu cho cơ thể mình như bật đèn xanh hay đèn đỏ. Không biết mùi nhà tôi là mùi gì, nhưng hít thở trong nhà mình bao giờ tôi cũng cảm thấy toàn thân thư giản và bình tâm lại. Tôi đã thử hỏi những người từng bước vào nhà tôi là họ ngửi thấy mùi gì. Người thì bảo mùi bánh mì nướng, người thì kêu là mùi mứt mận, hoặc mùi nước mắm, mùi cà ri, mùi tỏi tây, vv. Có lẽ vì họ bước vào nhà lúc một trong những món đó đang trên bếp hay trong lò.
Gần chỗ tôi ở có đôi vợ chồng già. Năm ngoái bà vợ qua đời. Một người con ở xa thuyết phục được ông già dọn về ở chung để tiện chăm sóc. Sau khi đem ông đi, toàn bộ áo quần vật dụng cá nhân của bà được đem cho hội từ thiện. Ngôi nhà được giao cho một công ty dịch vụ địa ốc rao bán. Công ty cho tẩy rửa ngôi nhà, sơn phết lại, mặc dù vẫn giữ gần như nguyên trang trí nội thất. Ông già không hài lòng gì đó với nơi ở mới nên quyết định quay về ngôi nhà của mình, gỡ bảng bán nhà xuống. Nhưng ngôi nhà đã khác. Thoạt đầu ông bảo cái nhà hôi mùi sơn. Rồi ông bảo căn nhà trống quá. Sau cùng ông hiểu ra: cái nhà mà ông muốn trở về là cái nhà ông đã sống với người bạn đời mấy chục năm, cái nhà mà mọi ngóc ngách xó kẹt đều thấm mùi của đôi vợ chồng già. Ông đã sống trong cái mùi đó gần cả đời mà không hề biết. Nay mùi đã mất. Vẫn là căn nhà của mình, nhưng ông cảm giác như một chỗ ở lạ, không thoải mái, không yên tâm. Mảng trống trong tâm hồn ông như cục ung thư, cứ lớn dần…
Tôi tin người ta chết đi nhưng mùi vẫn còn thấm hay vương đâu đó, nếu đừng tẩy rửa đi, mặc dù theo thời gian có thể phai nhạt dần. Những ngôi nhà truyền đời qua nhiều thế hệ, trải cả trăm năm, hoặc nhiều trăm năm, thường cô đọng mùi của nhiều lớp người đã từng sống trong nhà. Có dịp bước vào những ngôi nhà cổ (vẫn còn sử dụng như nhà ở của gia tộc) dù được quét dọn lau chùi thường xuyên, tôi vẫn có cảm giác một mùi gì xưa lắm ẩn trong thân cột gỗ, viên gạch mòn võng mặt xuống, cái chung trà rạn nứt trên bàn thờ. Có thể cái mùi đó chỉ là tưởng tượng. Nhưng người nào mà gia tộc còn giữ được một ngôi nhà cổ thờ tổ tiên ông bà, không phải nhà thờ họ tộc mới xây dựng hoành tráng, mà là nơi tổ tiên ông bà từng sống cuộc đời họ nơi đó, rồi con cháu cũng sống nơi đó, thì có thể chia sẻ với tôi cảm nhận ấy, về cái mùi cổ xưa thâm trầm của nhà.
Có thể bạn sẽ chỉnh tôi một tí: không phải mùi, mà là hồn - hồn của nhà.
Nhà văn Lý Lan