“Chúng tôi có thể xác nhận rằng liều thứ ba làm tăng mức độ kháng thể. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích mọi người nhanh chóng đi tiêm mũi vắc-xin này", Nikkei Asia ngày 30/12 dẫn lời Nozomu Iwashiro, thành viên trong ban lãnh đạo Bệnh viện Quốc gia Hakodate.
Theo đó, bệnh viện đã đo lượng kháng thể trong máu của 300 nhân viên y tế được tiêm nhắc lại vào tháng 12 (9 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai). Lượng kháng thể trung bình sau 2 tuần được tiêm tăng cường là 23.544 u/ml, so với con số 515 trước đó.
Các kháng thể chống Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian sau khi tiêm chủng. Mức trung bình vào tháng 8, tương đương 5 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai, là 721 u/ml. Bệnh viện cũng khảo sát 308 người khác về 7 tác dụng phụ do tiêm nhắc lại. Chỉ khoảng 6-25% số người được hỏi cho biết các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với thời điểm sau khi tiêm liều thứ hai.
Ngày 20/12, Moderna công bố việc tiêm nhắc lại bằng vắc-xin của hãng giúp lượng kháng thể có khả năng ngăn chặn biến chủng Omicron tăng đáng kể.
Kết quả thử nghiệm của Moderna cho thấy, liều tăng cường hiện được cấp phép với liều lượng 50 microgam - tương đương 1/2 liều dành cho tiêm chủng tiêu chuẩn - làm tăng mức độ kháng thể lên khoảng 37 lần.
Trong khi đó, Công ty dược phẩm AstraZeneca ngày 23/12 cho biết, liệu trình 3 liều vắc-xin của hãng này có hiệu quả chống lại biến thể Omicron của SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, Anh, sau một liệu trình 3 liều AstraZeneca, người tiêm có mức độ trung hòa chống lại biến thể Omicron tương đương như mức độ chống lại biến thể Delta sau 2 liều.
Kết quả phân tích của nhóm các nhà nghiên cứu Đại học Hoàng gia London được công bố hôm 18/12 cũng cho thấy, mũi tăng cường có khả năng đạt hiệu quả 80-85,9% trong ngăn bệnh diễn tiến nặng ở những người nhiễm Omicron. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả ngăn trở nặng của mũi tăng cường với biến chủng Delta là khoảng 97%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu để chắc chắn về mức độ gây bệnh nghiêm trọng của Omicron so với các biến chủng khác.
Vắc-xin giúp huấn luyện cơ thể cách chống lại Covid-19, nhưng các loại vắc-xin hiện nay không được thiết kế để chống biến chủng chứa nhiều đột biến như Omicron. Omicron mới xuất hiện cách đây một tháng, việc để có những nghiên cứu đầy đủ về loại biến thể “đáng ngại” như Omicron không phải là điều đơn giản, thế giới cần nhiều thời gian hơn nữa.
Và trong khi chờ đợi những nghiên cứu đầy đủ hơn, cũng như mong chờ về một loại vắc-xin mới chống lại Omicron, một số nước đang khuyến khích người dân tiêm mũi tăng cường để đạt mức kháng thể cao hơn trước những biến đổi không ngừng của SARS-CoV-2.
Minh Hoa (t/h theo Zing, báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)