"Một tuần sau khi triển khai tiêm mũi vắc-xin thứ tư, chúng tôi biết chắc chắn hơn rằng việc này an toàn", Thủ tướng Israel Naftali Bennett phát biểu tại Trung tâm Y tế Sheba ở thành phố Ramat Gan, nơi đang tiến hành tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ tư.
"Tin tức thứ hai là chúng tôi nhận thấy 1 tuần sau khi tiêm liều thứ tư, lượng kháng thể ở người được tiêm tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với khả năng chống lây nhiễm virus, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng sẽ được tăng cường đáng kể", ông Bennett cho hay, trích dẫn những phát hiện sơ bộ trong nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Sheba.
Israel đóng vai trò dẫn đầu trong nghiên cứu hiệu quả vắc-xin Covid-19, là quốc gia nhanh nhất triển khai tiêm chủng liều vắc-xin thứ hai cho dân chúng 1 năm trước và là một trong những nước đầu tiên tiêm mũi ba.
Hôm 3/1, Chính phủ Thủ tướng Naftali Bennett tiếp tục triển khai tiêm liều vắc-xin Covid-19 thứ tư Pfizer/BioNTech cho nhóm trên 60 tuổi và nhân viên y tế đã tiêm liều ba ít nhất 4 tháng trước, ba ngày sau khi triển khai đối với những người bị suy giảm miễn dịch.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh Israel đang ứng phó với đợt bùng phát vì Omicron. Bộ Y tế Israel hôm 4/1/2022 thông báo nước này đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm nCoV mới vào ngày 3/1, tương đương mức đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba hồi tháng 1/2021 và thứ tư vào tháng 9/2021.
Tình trạng số ca nhiễm gia tăng đột biến lần này còn diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Gần 40.000 ca nhiễm mới đã được xác định trên toàn Israel trong tuần qua, tương đương mức tăng 240% so với 7 ngày trước đó.
Trong diễn biến mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có thêm bằng chứng về việc Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước đó. Tuy nhiên, chuyên gia quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud lưu ý rằng khả năng lây nhiễm cao của Omicron có thể khiến biến chủng này thống trị ở nhiều nơi trong vòng vài tuần, gây ra mối đe dọa cho những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Minh Hoa (t/h theo VTC, VnExpress)