Cùng tìm hiểu những vấn đề xung quanh mụn nội tiết tố và cách trị mụn nội tiết hiệu quả, nhanh chóng.
I. Mụn nội tiết là gì?
Mụn nội tiết là một loại mụn liên quan đến sự hình thành và thay đổi hormone trong cơ thể, và còn được biết đến với tên gọi khác là mụn trứng cá. Thông thường, mụn sẽ xuất hiện trong giai đoạn dậy thì, tuy nhiên, việc hormone thay đổi có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Một số yếu tố có thể tác động và gây ra mụn nội tiết là chu kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh ở nữ giới.
Theo ước tính, khoảng 50% phụ nữ từ 20 đến 29 tuổi xuất hiện mụn nội tiết, và tỉ lệ này ở độ tuổi 40-49 là khoảng 25%.
II. Dấu hiệu nhận biết mụn nội tiết
Ở tuổi dậy thì, mụn nội tiết tố thường xuất hiện hầu hết ở vùng chữ T: trán, mũi và cằm. Riêng với người ở độ tuổi trưởng thành, mụn thường hình thành ở phần dưới của khuôn mặt, khu vực dưới gò má và xung quanh hàm. Đối với một số người, mụn nội tiết có thể xuất hiện với dạng mụn đầu đen, mụn đầu trắng hay mụn nhỏ, mụn nang. Những loại mụn nang này hình thành sâu ở dưới bề mặt da, chạm vào sẽ cảm giác sưng đau, khó chịu. Tuỳ theo cơ địa của mỗi người mà số lượng và kích cỡ mụn nội tiết sẽ thay đổi khác nhau.
Những thay đổi nội tiết dẫn đến mụn có thể do:
- Chu kỳ kinh nguyệt
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Giai đoạn mãn kinh
- Gia tăng quá mức lượng tiết tố androgen
Những thay đổi về hormone/ nội tiết quá nhiều có thể khiến vấn đề về mụn trở nên nghiêm trọng hơn, hình thành:
- Viêm da lỗ chân lông
- Tăng tiết bã nhờn
- Bít tắc lỗ chân lông
- Sản sinh vi khuẩn gây mụn
III. Đối tượng nào dễ bị mụn nội tiết?
Mụn nội tiết thường bắt gặp ở nữ giới nhiều hơn là ở nam giới. Yếu tố chính gây nên mụn nội tiết tố là testosterone. Mức testosterone tăng cao vào tuổi dậy thì, khiến dễ mắc phải loại mụn xấu xí này. Nội tiết tố này cũng góp phần làm tăng tiết bã nhờn ở nang lông. Một số nội tiết tố khác cũng góp phần gây mụn trứng cá.
Đối với phụ nữ trưởng thành, những thay đổi nội tiết tố liên quan đến mang thai hoặc chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể gây mụn. Bên cạnh đó, nồng độ estrogen suy giảm có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá trong thời kỳ mãn kinh.
IV. Mụn nội tiết điều trị như thế nào?
Nếu tình trạng mụn của bạn ở thể nhẹ, thì việc sử dụng các loại thuốc không kê toa (OTC) sẽ giúp giảm thiểu sự phát triển và cân bằng nội tiết hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu tình trạng mụn nội tiết nặng, bạn hoàn toàn không thể điều trị bằng các sản phẩm sữa rửa mặt hay kem dưỡng da thông thường. Mụn thường có dạng u nang, nằm sâu dưới da, và không bị tác động bởi các loại kem bôi ở bề mặt trên da.
Bạn có thể cân nhắc việc điều trị tình trạng mụn này bằng phương pháp thiên nhiên tại nhà hoặc can thiệp các loại thuốc điều trị được khuyến cáo bởi các bác sĩ da liễu chuyên khoa.
Quá trình điều trị mụn nội tiết cần có thời gian và đòi hỏi sự kiên nhẫn nhất định, bạn không thể mong chờ một kết quả quá mỹ mãn chỉ trong một thời gian ngắn. hãy tuân thủ dặn dò của bác sĩ về mặt y khoa, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh, hạn chế các thực phẩm như: đường, các sản phẩm từ sữa, tinh bột tinh chế… để sớm tạm biệt những nốt mụn xấu xí này nhé.
THẾ MINH