Vốn là những nông dân được thuê đi trông người ốm tại bệnh viện, họ phải đảm nhiệm công việc gần giống điều dưỡng viên. Họ là những người giúp việc từ nhiều tỉnh thành đến các bệnh viện đảm nhận công việc thay người nhà phục vụ bệnh nhân. Đội ngũ này đã giúp cho gia đình bệnh nhân đỡ bận rộn hơn. Tuy nhiên, do làm một công việc như một điều dưỡng viên nhưng lại chưa từng được đào tạo qua trường lớp nên nhiều lúc các bà, các chị gặp không ít phiền toái. Có thâm nhập vào đội ngũ ô-sin bệnh viện mới thấy được hết những chuyện bi hài!
Chăm sóc bệnh nhân như chăm sóc người nhà
Tôi đi làm ô-sin bệnh viện
Trong vai người đi tìm người chăm sóc cho người nhà bị tai biến mạch máu não, PV Người đưa tin đến bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi đã được các bà, các chị săn đón khá tận tình. Những người phụ nữ quê ở Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Nam Định... đều thổ lộ mong muốn được làm người giúp việc chăm sóc khi "cụ" nhập viện. Ngay cả bà bán tạp vụ ở bệnh viện cũng nhiệt tình giới thiệu: "Nếu cần người giúp việc chăm bệnh nhân tôi giới thiệu cho. Khoảng 2 giờ nữa đến đón người". Hỏi tiền công như thế nào, bà bảo: "Đã có giá chung rồi, yên tâm. Tôi ngồi đây toàn giới thiệu người tốt cho thôi".
Một vòng quanh sân bệnh viện, chúng tôi gặp khá nhiều người đang chờ việc. Lân la hỏi chuyện ai cũng thật thà kể hoàn cảnh của mình, họ không ngần ngại xuất trình chứng minh thư để xác nhận gốc tích mong được người nhà bệnh nhân "chấm" để có việc làm.
Nhìn thấy chúng tôi, một bệnh nhân vốn là cán bộ nghỉ hưu đã vẫy tôi ra nói: "Chú vào viện được 3 hôm rồi. Nói chung đội ngũ làm nghề giúp việc chăm nuôi bệnh nhân cũng tốt. Họ xem bệnh nhân như người nhà, phục vụ chu đáo. Tuy nhiên vẫn không ít những mặt trái như chạy sô, tranh giành công việc, rồi tiền "lệ phí" cho cai khi ra nhập nghề". Trước khi chia tay tôi, ông còn dặn: "Muốn gặp đông người để chọn lấy một người thì phải đến bệnh viện từ lúc 5-7h sáng. Thời điểm ấy xuất hiện cả... "cai đầu dài" sử dụng điện thoại di động điều hành".
Rời bệnh viện Hữu Nghị, tôi đến bệnh viện Bạch Mai, ngay ở bãi gửi xe, tôi được bà chị bán nước gần đó hồ hởi: "Cô cần ô sin chăm người nhà không?. Người của công ty chị thì yên tâm. Tiền công 200 ngàn/ngày, liệt chân 250 ngàn/ngày, liệt nốt hai tay, cô cho chị thêm năm chục là 300 ngàn nhé, còn chờ đi thì 500 ngàn... Nếu ô-kê thì gọi lại cho chị. Người của "công ty" chị thì yên tâm, trung thực, đảm đang, tháo vát, quen việc...".
Vì muốn biết thực hư chuyện "thâu tóm thị trường" của các "cai đầu dài", tờ mờ sáng hôm sau, tôi xách túi khệ nệ, chân đi dép lê, lại diện thêm cái quần xanh đen cho... trông thật giống người quê đi tìm việc, tôi có mặt tại bệnh viện. Lơ ngơ trong sân bệnh viện, hết đứng lại ngồi bên cạnh ghế đá cố chường mặt ra để hy vọng có người nhà bệnh nhân để ý đến nhưng tôi vẫn chưa tìm được việc. Thấy bộ mặt tiu nghỉu của tôi, một phụ nữ trông có vẻ lanh lợi đến hỏi: "Mới đi à, chưa tìm được mối à. Chị nhận được mối có làm không?".
Tôi được biết chị tên là Oanh, người Thái Bình, đi làm đã hơn 10 năm nay. Có nhiều khách quen, thân quen với bác sĩ được giới thiệu nhiều việc, chị Oanh đã "bán mối" cho các chị em khác. Tôi vội vàng nhận lời nhưng không quên hỏi lương như thế nào, "lại quả" cho chị bao nhiêu. Thản nhiên, chị Oanh bảo: "Lần đầu 200 ngàn, những lần sau 100 ngàn đồng". Tôi đắn đo bảo: "Nhỡ gia đình họ chỉ thuê em 2 ngày thì em chẳng được đồng nào à?". Cong cớn, chị này bảo: "Vẫn vậy, làm thì làm không thì thôi".
Chắc thương tình kẻ ngoại đạo, mới vào nghề, một chị có tên là Dung quê ở Điêu Lương- Phú Thọ kéo tôi ra thì thào: "Các bà ấy ăn chặn mình kinh lắm. Thôi thì mới đến, cứ đứng ở đây xem có chờ được việc không. Tối chưa có chỗ ngủ thì vào xóm trọ chị nói bà chủ cho thuê chỗ ngủ. Còn tìm được việc rồi chẳng phải lo ăn ngủ đâu, chủ họ bao cho hết. Nhà chủ cũng có nhiều nhà tốt lắm".
Vui- buồn, chỉ những người trong nghề mới thấu
Ngồi nói chuyện với tôi, ngoài chị Dung còn có Nhung người cùng xã Điêu Lương (Phú Thọ). Tuy mới 21 tuổi nhưng Nhung đã có chồng và có con 2 tuổi. Cả hai vợ chồng Nhung cùng đến bệnh viện Hữu Nghị để tìm việc. Lần trước gặp Nhung, cô khoe cả hai vợ chồng đều có việc thu nhập tương đối khá, bởi chẳng phải lo chỗ ăn ở. Hôm nay, thấy Nhung ngồi buồn, gục mặt vào người chị đồng hương, hỏi chuyện cô nói: "Hôm nay em hết việc rồi. Chồng em cũng mới về nhà chưa lên. Con nhỏ gửi ông bà nội ngoại cũng tội lắm". Chị Dung bảo dù sao Nhung cũng đã có thâm niên trong nghề 3 năm rồi, nên bữa có mối, bữa không cũng đã quen, không vất vả như những người mới đến.
Thực tế, nghề "ô sin bệnh viện" cũng đã xuất hiện trong danh mục của các Trung tâm tư vấn việc làm, với tên gọi: Người giúp việc chăm nuôi người ốm. Tôi đã từng nghe kể về ông Ấm chuyên làm nghề này từ nhiều năm về trước, khi nghề này còn chưa phổ biến. Nhưng nghề của ông Ấm lại khá đặc thù, ông được tín nhiệm thuê trông nom những người bệnh nặng sắp mất. Nhận việc, nhìn người ốm, ông Ấm có thể biết mình sẽ làm việc trong gia đình nhà chủ thời gian bao lâu. Chị bạn tôi đã từng thuê ông Ấm chăm sóc bố chồng kể: Vừa nhìn thấy bệnh nhân, ông bảo: "Tôi nhận trông bốn tháng rồi cụ đi". Ông Ấm chăm người bệnh chu đáo, ông nằm ngay dưới chân giường của người bệnh, cạnh sát bô vệ sinh chẳng ngại ngần. Người nhà thu xếp chỗ ăn ở, ông bảo, quen rồi và như thế mới theo dõi cụ 24/24h được. Và đúng như dự đoán của ông Ấm, khoảng 3 tháng 26 ngày thì cụ đi thật. Lo ma chay xong xuôi cùng người nhà, nhận đủ 4 tháng tiền công, ông Ấm lại đi sang nhà khác có nhu cầu".
Mặc dù chưa đón được mối nhưng chị Nguyễn Thị Dưỡng, người Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lại khá lạc quan với công việc. Tôi hỏi, chị có làm người giúp việc gia đình, chăm sóc trẻ không, chị từ chối: "Trông trẻ lại lo ăn uống, bột, sữa mức lương tối đa chỉ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, chị là chủ gia đình không thể làm thế được. Trông người ốm cứ 250-300 ngàn đồng/ngày, vẫn nhẹ nhàng hơn". Rồi chị kể khi chị đến trông cụ Bằng nhà ở Ngã Tư Sở. Chăm sóc cụ được khoảng 2 tháng thì cụ mất. Sau khi ở lại giúp gia đình chủ nhà lo tang ma, ngoài tiền công, chị còn được thưởng thêm 2 triệu đồng nữa. Hỏi chị có bị ám ảnh khi người bệnh qua đời, chị Dưỡng cười: "Không, các cụ tốt lắm. Như cụ Bằng trước khi mất còn bảo, tôi chết, sẽ phù hộ cho cô. Tôi tin mình làm tốt công việc sẽ không thấy ám ảnh, sợ hãi".
Cùng đứng ăn xôi với chị Dưỡng, chị Tho quê ở Điêu Lương nay đã lấy chồng ở Hà Đông (Hà Nội) kể: "Tôi xuống đây làm nghề này mới có cơ hội quen biết chồng tôi hiện giờ. Cả xã Điêu Lương có gần 30 người xuống đây làm. Nhưng không phải ai cũng tốt bụng đâu". Rồi chị kể về một người cùng quê, chăm cụ già là cán bộ lão thành Cách mạng bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Cô này đã thường xuyên cáu gắt với cụ già, quên cả việc thay rửa cho cụ mà chỉ chạy sô kiếm thêm tiền. Sau đó cô này đã bị người nhà cắt "hợp đồng", "tiếng xấu" lan khắp bệnh viện nên chẳng ai thuê, đành phải về quê". Còn chị Dung có vẻ "non" hơn, chị cứ nhắc đi nhắc lại với tôi: "Mấy ngày mà chị không có mối, thì tiền ăn ở cũng đáng lo lắm. Mỗi tối ngủ trọ mất 20 ngàn đồng rồi. Ai không có "duyên" tìm việc thì lỗ. Vài ngày nữa không có mối, chị cũng phải về quê ít ngày".
Nói về lực lượng người giúp việc chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, Điều dưỡng viên Trần Thị Hà khẳng định: "Hiện bệnh viện em thiếu điều dưỡng viên lắm. Ngay khoa Hồi sức cấp cứu cũng chỉ có 19 điều dưỡng viên. Do vậy rất cần những người giúp việc, tuy nhiên nếu họ được học qua lớp đào tạo ngắn ngày về kỹ năng chăm sóc người ốm thì họ sẽ làm tốt hơn. Hiện nay, tất cả chỉ là do quen việc nên không ít trường hợp cho bệnh nhân uống nhầm thuốc, rất nguy hiểm".
Thực tế, với người nông dân vốn chỉ quen lao động chân tay thì có một công việc như vậy là đã rất tốt rồi. Vấn đề ở đây là phải đào tạo kỹ năng như thế nào để họ thực sự là những người hữu ích mà không phải là nỗi lo của người nhà bệnh nhân do thiếu hiểu biết.
Tiền đổ vào túi... cai Sau vài ba câu chuyện kể về hoàn cảnh gia đình, những người chờ việc đã liệt kê cho tôi danh sách những "cai đầu dài" tại bệnh viện như bà Oanh, bà Mùi, bà Thương. Thu nhập của những người đi làm có việc thì cũng tạm ổn, nhưng còn "cai đầu dài" chỉ cần "bán mối" lại thu "bẫm" hơn. Mỗi mối hàng tùy người cũ, mới mà "cai" thu từ 200 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng (tương đương một ngày công), có mối "ngon" (trông người ốm dài ngày) "cai" thu 300-400 ngàn đồng. Còn với ai tìm người giúp việc nhờ "cai đầu dài" thì cứ 600 ngàn/người. Gần trưa, nhiều phụ nữ đã có "người đón", tôi ngỏ ý hỏi đường lên một phố để tìm đến nhà ngươầi quen, chị Dung an ủi: "Thôi, cố nán lại lúc nữa, biết đâu lại có mối". |
Nguyệt Hà