Khi kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương “gọi tên” từng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật tại kỳ họp 19 vừa qua, mới đây vụ 17 cán bộ của Sơn La bị khởi tố vì khai khống diện tích đất để chiếm dụng tiền đền bù dự án thủy điện… dư luận băn khoăn vì các vi phạm này chủ yếu thuộc lĩnh vực quản lý đất đai.
Có hay không sự cả nể khi thẩm định đền bù giải phóng mặt bằng, giao đất cho doanh nghiệp, lợi ích nhóm khiến những chữ ký trở nên dễ dàng? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh.
PV: Thưa ông, tình trạng sai phạm, tiêu cực liên quan đến đất đai luôn là vấn đề nóng, bởi việc quản lý, sử dụng tùy tiện sẽ gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tiềm lực của đất nước. Quan điểm của ông thế nào khi mới đây đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo ở địa phương bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật vì vi phạm trong lĩnh vực này?
ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Có thể thấy nhiều địa phương thực hiện tương đối tốt nhưng cũng còn một số địa phương quản lý thiếu chặt chẽ. Thêm nữa, trong quá trình quản lý đã xuất hiện lợi ích nhóm, sân sau... ảnh hưởng đến vấn đề quản lý đất đai nói chung.
Bản thân các địa phương có sự tiếp tay, làm méo mó quá trình cấp phép đất đai. Tôi nghĩ không ít địa phương tồn tại thực trạng này, Vĩnh Phúc chỉ là một trong số những cái tên được nhắc đến khi thanh, kiểm tra. Tôi tin rằng, nếu thanh tra, kiểm tra trên toàn quốc sẽ có những địa phương khác vi phạm ở lĩnh vực này.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, không hoàn toàn là do trình độ, năng lực quản lý của cán bộ yếu mà nguyên nhân của thực trạng này có từ việc lồng ghép lợi ích cá nhân trong công việc chung của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo. Khi lợi ích đi kèm với sự thiếu công tâm dễ dẫn đến lợi dụng chính sách để tư lợi riêng.
Vấn đề đất đai lâu nay dường như được nhiều người xem là miếng bánh béo bở, nhất là những kẻ cơ hội và đây cũng là một trong những vấn đề dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng.
Ai cũng có thể nhìn thấy, lĩnh vực quản lý đất đai rất dễ có vi phạm. Ví dụ như quy hoạch xây dựng một khu đô thị, ngay giữa vị trí một mặt tiền, hai mặt tiền đã rất khác nhau. Những người có chức, có quyền thường được ưu ái hơn. Càng là quan chức thì càng thuận lợi trong việc “nhắm” được một vị trí đắc địa, chưa cần sử dụng mà chỉ riêng chuyện bán đi, đổi lại đã có được tài sản lớn. Nếu nhìn thực chất thì đấy cũng chính là tham nhũng.
Thực tế, vấn đề này đã được chấn chỉnh khá mạnh mẽ bằng luật về đất đai ra đời, cộng thêm sự cương quyết của cơ quan chức năng. Thế nhưng đâu đó vẫn còn những kẽ hở dễ bị lợi dụng. Một điều quan trọng là chính quyền địa phương, đặc biệt người đứng đầu không quan tâm hoặc buông lỏng để cấp dưới nảy sinh tiêu cực. Chưa kể, còn có thể là sự móc ngoặc có hệ thống.
PV: Bộ Tài nguyên và Môi trường và ngay cả “tư lệnh” ngành này khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng từng thừa nhận còn nhiều bất cập, khó kiểm soát trong lĩnh vực quản lý đất đai. Ông có nghĩ rằng, việc phân cấp quản lý cho địa phương đã bộc lộ nhiều hạn chế cần thay đổi?
ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Tôi cho rằng, Bộ trưởng đã nhìn nhận đúng. Qua các cuộc thanh, kiểm tra, chúng tôi nhìn thấy rõ Bộ trưởng cũng rất băn khoăn vấn đề này.
Thực tế, lĩnh vực đất đai đã được phân cấp, phân quyền về cho địa phương quản lý để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Nhưng quan trọng là cần có chính sách minh bạch. Thậm chí, như tôi nói ở trên thì ngay cả quy hoạch các khu đô thị cũng phải được đấu thầu, loại bỏ cơ chế xin-cho. Chính cơ chế xin-cho dẫn đến tham nhũng, dễ bị lạm dụng, lạm quyền trong quản lý đất đai.
Nếu cứ đấu thầu công khai minh bạch, lựa chọn nhà thầu, triển khai dự án đúng tiến độ, nộp thuế đầy đủ theo quy định thì sẽ hạn chế tiêu cực, giảm bớt khiếu kiện. Thực tế, khiếu kiện về lĩnh vực đất đai luôn chiếm phần trăm lớn trong thống kê các vụ khiếu kiện, khiếu nại hằng năm của cơ quan chức năng. Người dân bất bình kéo dài cũng là do sự thiếu sự minh bạch này.
PV: Có ý kiến cho rằng, chính sự buông lỏng quản lý, cả nể khi thẩm định giao đất cho doanh nghiệp ở các địa phương khiến vấn đề đất đai trở nên nhức nhối hơn, bởi có lợi ích nhóm chi phối, thâu tóm. Ông có ý kiến thế nào và cần giải pháp gì cho thực trạng này?
ĐBQH Lê Hồng Tịnh: Nếu nói về giải pháp thì tôi nghĩ minh bạch vẫn là điều quan trọng nhất. Cần có sự giám sát, tham vấn của người dân trong quy hoạch đất đai ở địa phương. Có cơ chế đấu thầu, chọn nhà đầu tư tốt, không để tình trạng dùng quan hệ tốt để được phê duyệt mà không có năng lực thực sự. Phải đào tạo cán bộ quản lý đất đai am hiểu luật pháp, siết chặt cơ chế chính sách và người dân được giám sát, không để tình trạng dấm dúi, đi đêm khi chỉ định thầu.
Việc rà soát đang được một số địa phương triển khai, nhưng theo tôi cần một cuộc tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc. Việc này không tránh khỏi va chạm, động chạm đến cá nhân có chức, có quyền, phá vỡ những “nhóm lợi ích” ở các địa phương và có thể mất cán bộ, nhưng phải chấp nhận. Vì càng để, càng dấm dúi càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn, tình hình sẽ càng xấu đi.
Cần làm mạnh như kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Vĩnh Phúc vừa qua để cảnh tỉnh cho những ai sai phạm đang còn trong bóng tối có ý thức sửa chữa sai lầm. Tôi mong muốn các địa phương khác có thể tự kiểm tra, rà soát, chỉ mặt gọi tên sai phạm mà không cần đến lúc các cơ quan Trung ương vào cuộc mới thấy.
Còn về sự cả nể như ý kiến trên đề cập, tôi nghĩ không hẳn như vậy. Ở đây có nhiều mối quan hệ chằng chịt, xuất phát từ lợi ích nhóm. Nếu rà soát, thanh, kiểm tra thì quan hệ ngược xuôi thế nào vẫn xuất phát từ lợi ích nhóm. Điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!