Ngang nhiên khai thác dù đã bị cấm
Khu vực núi Cống Đá 2, nằm ngay gần khu dân cư thôn 9 xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.
Theo ghi nhận của phóng viên vào sáng 13/11, núi Cống Đá 2 hiện đã bị đào ngổn ngang, lòng núi bị khoét rỗng, bao quanh là các vách núi nham nhở, lởm chởm đá. Phía trong lòng núi, hai chiếc máy xúc cùng đoàn xe ben đang rầm rập hoạt động. Cả hai chiếc máy xúc công suất lớn liên tục vươn gàu múc những tảng đá lớn mới khai thác đổ lên thùng xe ben chạy ra một bãi tập kết cách đó vài trăm mét, hoặc chạy thẳng theo con đường đất ra ngoài…
Được biết núi Cống Đá 2 vốn trước đây là khu vực mỏ đá được UBND TP.Hải Phòng cấp phép cho Công ty cổ phần Cung ứng vật tư Tiến Thành, có trụ sở ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên khai thác. Tuy nhiên, giấy phép khai thác của doanh nghiệp này đã hết hạn từ năm 2013.
Sau khi hết phép, khu vực mỏ đá này bị bỏ hoang, lòng núi bị đào khoét tan hoang. Cách đây hơn hai tháng, tại khu vực này bỗng xuất hiện một số đối tượng ngang nhiên đưa phương tiện máy móc tới khai thác đá một cách rầm rộ.
Sau khi nhận được thông tin từ phóng viên, ông Bùi Văn Vi, Chủ tịch UBND huyện Thuỷ Nguyên mới chỉ đạo chỉ đạo Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với công an huyện tiến hành kiểm tra.
Theo ông Lại Đức Long, Trưởng phòng TNMT huyện Thuỷ Nguyên, quá trình kiểm tra đã phát hiện Công ty Tiến Thành lợi dụng danh nghĩa phục hồi môi trường để đưa phương tiện vào khai thác đá trái phép. Mỏ đá này đã hết hạn, theo quy định phải đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường. Công ty Tiến Thành đã được TP.Hải Phòng cho phép thực hiện phục hồi môi trường trong thời hạn 55 ngày bắt đầu từ 5/9/2017.
Quá trình phục hồi môi trường không được phép nổ mìn mà chỉ cạy gỡ đá, đưa mỏ về trạng thái an toàn, sau đó trồng cây xanh. Nhưng do 3 mom đá có nguy cơ sạt lở nên Hội đồng thẩm định phục hồi môi trường của TP.Hải Phòng cho phép đánh bạt xuống. Theo quy định phục hồi môi trường, đá đó phải để nguyên tại chỗ rồi phủ đất lên trồng keo. Tuy nhiên, theo ông Long, doanh nghiệp đã lợi dụng phục hồi để nổ mìn khai thác đá trái phép.
Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện khoảng 100m3 đá khai thác trái phép được tập kết ra khu vực chờ tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các đối tượng đưa phương tiện bốc xúc ra khỏi khu vực mỏ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Xâm phạm nghiêm trọng khu di tích
Núi Cống Đá 2 nằm trong quần thể núi Thành Dền, vốn là nơi nhà Mạc xây dựng căn cứ quân sự phòng thủ giặc ngoại xâm. Trên ngọn núi này, nhà Mạc xây dựng một thành đất được gọi là Thành Dền (thành Bạch Đế). Theo Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng, vào thế kỷ XVI, dưới thời vương triều nhà Mạc, khu vực Thành Dền là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự của nước ta.
Tuy nhiên, từ năm 2006, núi Thành Dền được UBND TP.Hải Phòng cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác đất silic. Đến năm 2012, giấy phép khai thác hết hạn nhưng cơ quan chức năng đã không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, không yêu cầu doanh nghiệp phục hồi môi trường theo quy định. Núi Thành Dền hiện bị khoét sâu, hiện còn lại chỉ là những hố đất ngổn ngang.
Từ năm 2015, Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng đã có báo cáo việc khảo sát, nghiên cứu về khu di tích Thành Dền, đánh giá đây là khu vực có giá trị di sản văn hoá và đề nghị UBND TP.Hải Phòng căn cứ theo Luật Di sản văn hoá, Luật Khoáng sản, yêu cầu dừng hoạt động khai thác tại khu vực đồi núi thôn Thiểm Khê (xã Liên Khê) để lập dự án tôn tạo, xây dựng Khu di tích Thành Dền.
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, các hoạt động khai thác khoáng sản vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều đối tượng khai thác “thổ phỉ” trên địa bàn đua nhau nhảy vào xẻ thịt phần còn lại của núi Thành Dền, khiến cho khu vực ngày càng tan hoang.
Theo Văn Huy (CAND)