Đầu năm học này, ở TP Hồ Chí Minh, một vị trong Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/10, Trường Tiểu học An Hội chỉ tên từng phụ huynh khó khăn, yêu cầu đứng dậy cho hiệu trưởng…xem mặt.
Một clip đã ghi lại sau đó đăng tải lên mạng xã hội cho thấy, một phụ nữ mặc áo vest trắng, xưng tên là Tuyến, đứng khoanh tay trên bục giảng nói về cuộc họp, đồng thời chất vấn các phụ huynh ngồi dưới với những lời mà người xem clip đánh giá là trịch thượng, xúc phạm, phân biệt đối xử với phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.
Buổi họp có chứng kiến của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho hay clip này được ghi trong cuộc họp phụ huynh của lớp 3/10 diễn ra từ tháng 8. Tóm tắt sự việc, ông Thanh cho rằng đây là sự tranh chấp dân sự giữa những phụ huynh với nhau(?!)
Có lẽ ông Thanh đã có nhầm lẫn, đây không phải là chuyện dân sự ngoài vỉa hè mà nó xảy ra trong lớp học – trong môi trường giáo dục. Để xảy ra sự việc như thế này, không thể không tính đến trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng và cả trách nhiệm của đơn vị quản lý giáo dục.
Nhiều năm nay, việc nhân danh hội phụ huynh để thu nhiều loại tiền trái phép đã diễn ra ở nhiều nơi. Việc “bổ đầu” cho các khoản thu về mặt hình thức tạo ra sự bình đẳng, nhưng thực tế lại tạo ra sự bất bình đẳng giữa các học sinh và sau đó là các gia đình.
Cha mẹ nào cũng có nhu cầu dành những gì tốt nhất cho con cái trong điều kiện, khả năng của mình. Sự thụ hưởng và hưởng thụ phụ thuộc rất lớn vào năng lực tài chính của các phụ huynh. Mà thu nhập cơ học của mỗi gia đình một khác nhau. Dù nhiều nơi giải thích với động cơ tạo điều kiện học tập tốt cho các em học sinh, nhưng việc thu thêm những khoản ngoài danh mục được Nhà nước quy định như vậy hoàn toàn gây ra sự lãng phí, hao tổn tài chính của nhiều gia đình. Mặt khác, việc lạm thu này sẽ động chạm đến tự ái, tự trọng của các em học sinh và các bậc phụ huynh có thu nhập trung trình. Những điều này chắc chắn có tác động tiêu cực tới tâm lý các em học sinh, nhất là các em đang ở tuổi trưởng thành, đang hoàn thiện về nhân cách và năng lực sống.
Từ cách đây hơn chục năm, đứng trước thực tế lạm thu ở trường học được khoác dưới “cái áo” ban đại diện cha mẹ học sinh, Bộ Giáo dục & Đào tạo từng ban hành Thông tư Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, quy định các khoản nhà trường không được thu, theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Ngoài ra là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:
- Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường;
- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;
- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Quy định là như vậy, nhưng nhà trường và các đơn vị giáo dục luôn không chủ động, tự giác phát hiện các sai phạm mà chỉ rục rịch sửa sai sau khi sự việc được lên tiếng trước công luận bằng báo chí, mạng xã hội. Mà việc không chủ động phát hiện, sửa sai, có đôi khi lại dính đến những quyền lợi “sát sườn” của chính ban giám hiệu trường học – khi những người thầy cũng được hưởng lợi từ các khoản thu trái luật, trái đại lý này. Việc này Tạp chí điện tử Người đưa tin đã từng phản ánh, khi đưa tin về việc học sinh một trường tiểu học ở Thanh Hóa phải gánh 23 khoản phí, quỹ, đồ dùng. Mỗi em phải đóng 1,2 triệu đồng tiền học thêm/năm, BGH được "cắt phế" 25% số tiền này.
Người ta thường ví những người thầy như người lái đò, đưa các em học sinh qua dòng sông tri thức để cập bến “thành người” Ca dao cổ có câu “Vì sông nên phải lụy đò…”, cứ cái cơ sự lạm thu ở trường học hàng năm thế này, có lẽ phải cải biên câu ca dao ấy thành
“Qua sông thì phải lụy đò
Muốn con hay chữ thì…lo cho thầy”.