“Làm bùa”... dễ như trở bàn tay
Theo tìm hiểu, điều tra của PV, hiện nay trên thị trường, các giao dịch nhà đất đều được đối tượng cò mồi “tư vấn” cho bên mua và bên bán cách né thuế bằng việc hạ giá giao dịch ghi trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng. Cách “làm bùa” này chính là kẽ hở và khiến Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Thực tế, trong vai người mua nhà, PV liên hệ người tên Hải, một "cò" đất có tiếng ở khu vực quận 12 (TP.HCM) để hỏi về một căn nhà trên đường số 19, phường Thạnh Lộc, quận 12. Hải nói ngay: “Giá nhà là 3,3 tỷ đồng, sau khi thống nhất được các vấn đề liên quan thì bên tôi sẽ lo thủ tục sang tên cho anh. Chi phí sang tên, bên tôi sẽ lo luôn”.
Biết cách làm của những "cò mồi" này, PV hỏi: "Vậy khi ký hợp đồng, có phải kê giá thấp lại để né thuế hay không?", Hải nói: “Đương nhiên là có rồi, vấn đề đó rất dễ. Cứ ký hợp đồng mua bán với nhau, khoảng chừng 1 tỷ là được, lúc đó tiền thuế đóng cũng ít hơn và thuế thu nhập cá nhân mà người bán chịu cũng ít hơn. Nói chung tất cả các khoản thuế, phí đều ít”.
PV vờ thắc mắc về tính pháp lý sau này, nhất là thủ tục vay ngân hàng. Ngay lập tức, Hải “tư vấn”: “Cái đó không thành vấn đề, quan trọng là trên sổ đỏ vẫn thể hiện tên anh và toàn bộ diện tích nhà đất tại vị trí giao dịch, chứ có mất tí nào đâu. Hơn nữa, khi làm thủ tục vay ngân hàng, bên chủ nhà và anh sẽ ký lại một hợp đồng khác, thể hiện đúng giá trị mà mình giao dịch. Hoặc nếu anh cần ghi hơn số tiền đó cũng được”.
“Và nếu cần công chứng thì sẽ đưa ra phòng công chứng để thực hiện, sau đó, anh lấy bản này gửi cho phía ngân hàng là xong”, Hải bồi thêm. Tương tự, hàng loạt giao dịch nhà đất trên thị trường hiện nay đều thực hiện theo cách làm này. Thực tế, mới đây, anh Nguyễn Văn Thắng (ngụ đường số 16, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM) đã bán căn nhà của mình với giá 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh chỉ ký hợp đồng mua bán với giá 900 triệu đồng.
Như vậy, Nhà nước chỉ thu được khoản thuế rất ít ỏi của các giao dịch nói trên, thậm chí chưa được một nửa. Đây là thực tế diễn ra nhiều năm nay tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, vai trò của các đối tượng “cò mồi” là rất lớn trong việc, "vẽ đường cho hươu chạy”.
Thất thu hàng nghìn tỷ?
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng cục Thuế TP.HCM cho biết: “Hiện nay đang có nhiều vấn đề bất cập, khó khăn trong việc thu thuế từ thị trường nhà đất. Đầu tiên, các chủ thể mua bán đất, cả cá nhân và tổ chức đều tìm đủ cách để trốn thuế, né thuế. Bởi, giá bán công bố thường chênh lệch rất lớn so với giá giao dịch trên thực tế”.
Ông Minh lấy ví dụ, một căn nhà bán ra 4 tỷ đồng, tuy nhiên các bên chỉ ký hợp đồng giao dịch thể hiện vào khoảng 1 tỷ đồng, khiến cơ quan thuế dù biết nhưng không thể làm gì được. Thực tế, theo tìm hiểu, điều tra của PV, nhiều giao dịch có số tiền lớn nhưng khi làm thủ tục sang tên, đổi chủ… thì teo tóp, còn lại rất ít. Đặc biệt, có tình trạng của một số công ty bất động sản nhỏ cũng “chơi chiêu” này. Khi đó, họ núp bóng dưới danh nghĩa cá nhân để đứng tên giao dịch.
“Mặt khác, một vấn đề liên quan là giá nhà đất mà Nhà nước quy định đang ở mức thấp gấp rất nhiều lần so với giá giao dịch trên thị trường. Như giá nhà đất ở khu vực đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1), đắt nhất thành phố thì hiện cũng chỉ hơn 160 triệu đồng/m². Trong khi đó, giao dịch trên thực tế lên đến hơn 1 tỷ đồng/m². Như vậy số tiền thuế từ giao dịch nhà đất thấp hơn cả chục lần so với mức có thể thu được”, ông Minh phân tích thêm.
Thực tế, năm 2017, TP.HCM chỉ thu được khoảng 20.000 tỷ đồng từ thuế sử dụng đất, trong đó các khoản thu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp… từ hoạt động kinh doanh nhà đất còn rất thấp. Con số này cũng chưa phản ánh đúng - đủ thực tế rất sôi động trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thời điểm cơn sốt đất diễn ra tràn lan trên địa bàn các quận, huyện của thành phố.
Vấn đề thu thuế từ nhà đất càng được đẩy nóng lên khi có đề xuất đánh thuế từ nhà đất có trị giá từ 700 triệu đồng. Trong bối cảnh này, các chuyên gia cho rằng, cần phải thu sát với giá giao dịch trên thực tế đã mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách, đồng thời, giảm thiểu tình trạng “làm bùa”.
Cũng theo ông Minh, năm 2018, ngành thuế được giao chỉ tiêu thu tăng 12,5% so với thu thực tế năm 2017. Dự kiến, trong lĩnh vực nhà đất sẽ phải thu khoảng 100 tỷ đồng/ngày. Do đó, việc thu đúng - thu đủ theo các giao dịch đang diễn ra trên thị trường sẽ là việc cần làm.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng: “Trước mắt, cần phải có các giải pháp đồng bộ để làm giảm thất thu thuế đối với thị trường bất động sản. Theo đó, cần phải minh bạch thị trường nhà đất, có cơ chế về định giá bất động sản một cách hợp lý theo cơ chế thị trường”.
Mặt khác, luật sư Nguyễn Anh Tú, đoàn Luật sư TP.HCM khuyến nghị: “Người dân cần nâng cao nhận thức. Bởi, việc kê khai giá nhà đất thấp hơn so với thực tế khi mua bán, chuyển nhượng cũng đồng nghĩa với việc tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, nếu xảy ra tranh chấp thì thiệt hại đầu tiên là chính người dân, chứ không phải ai khác. Còn các đối tượng "cò mồi" đã lấy phần trăm hoa hồng (theo giá bán thực tế) thì vẫn “béo tốt” như thường”.
Sẽ thay đổi biểu giá nhà đất UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như: Cục Thuế, sở Tài nguyên - Môi trường, sở Tài chính cùng UBND các quận, huyện tiến hành xây dựng khung giá đất sát với giá thị trường, trình UBND TP trong tháng 6/2018. Đây sẽ là cơ sở để ngành thuế thu tiền sử dụng đất đúng và đủ, giảm thất thu thuế. |