Muốn “ghìm cương” cần có biện pháp mạnh

Muốn “ghìm cương” cần có biện pháp mạnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu trong nước như xăng, gas... đang liên tục tăng giá, đặc biệt những bất ổn trên thị trường vàng, ngoại tệ đã khiến không ít người dân lo lắng về một đợt "bùng giá" có thể xảy ra vào dịp cuối năm.

CPI quay đầu tăng trở lại

Thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới, giá vàng tăng mạnh cùng với đó là sự mất giá của đồng đô la khiến nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế trong nước. Viễn cảnh giá cả các mặt hàng cuối năm tăng cao đang khiến người tiêu dùng "đứng ngồi không yên". Nếu như điều đó xảy ra, nó sẽ khiến mọi nỗ lực của Chính phủ trong việc bình ổn giá và kiềm chế lạm phát từ đầu năm đến nay trở thành "công dã tràng".

Xã hội - Muốn “ghìm cương” cần có biện pháp mạnh

Nhiều người lo ngại về một đợt tăng giá mới vào những tháng cuối năm.

Một con số mang đến bất ngờ, bởi tháng 6/2012 là tháng duy nhất CPI giảm, kể từ năm 2003 đến nay. Tính tổng 6 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,6% trong khi mục tiêu của Chính phủ là kiềm chế vào khoảng 9%. Nhìn vào con số đó nhiều người đã tỏ ra lạc quan vào tình hình biến động giá cả trong năm nay là thấp.

Tuy nhiên chưa kịp mừng, tháng 8 chỉ số CPI đã tăng trở lại. Theo tổng cục thống kê, CPI tháng 8 đã tăng 5,04% so với tháng 8/2011, tăng 2,86% so với tháng 12/2011 đưa CPI bình quân 8 tháng qua tăng 10,41% so với bình quân cùng kỳ 2011. Mức tăng này theo các chuyên gia kinh tế là khó thể tránh trong bối cảnh các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, điện tăng. Chính những mặt hàng thiết yếu này tăng đã khiến cho chi phí sản xuất, vận tải tăng nó kéo theo giá thành các sản phẩm tăng.

Bước vào tháng 9, nhiều mặt hàng tiếp tục tăng giá như xăng, dầu, vàng. Cùng với đó là nhu cầu mua sắm của người dân cũng tăng theo. Một số người lý giải nguyên nhân tăng là do tháng 9 là thời điểm đầu năm học mới, trùng với ngày nghỉ lễ, chuyển mùa. Nên việc tăng chỉ số CPI của tháng 9 gần như là điều tất yếu.

Trước viễn cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhiều người dân đặt hi vọng vào những sự tác động từ Chính phủ mà đặc biệt vào gói hàng bình ổn đang được tung ra trên thị trường. Theo tìm hiểu của PV, chương trình bán hàng bình ổn giá hoạt động ngày được mở rộng về không gian và chủng loại sản phẩm. Theo số liệu thống kê, số lượng điểm bán hàng bình ổn của cả nước hiện có khoảng 6.400 điểm. Tại TP. HCM có khoảng 4.230 điểm, Hà Nội có 668 điểm. Các mặt hàng được hỗ trợ chủ yếu là lương thực và thực phẩm. Giá bán hàng bình ổn tại hệ thống phân phối thường thấp hơn giá bán cùng loại trên thị trường từ 5 - 10%. Tại Hà Nôi, Sở Công thương đã chi 376 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho năm 2012.

Khảo sát tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội như Fivimart, Hapro Mart, Coop Mart... đều thấy ghi các mặt hàng bán theo chương trình bình ổn. Tuy nhiên quan sát của phóng viên, số hàng hóa thuộc diện bình ổn bán trong siêu thị chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với tổng sản phẩm được bày bán. Tại siêu thị Fivimart, tòa nhà Trung Yên 1 (Cầu Giấy- Hà Nội) mặc dù có một số mặt hàng thuộc diện bình ổn như gạo, mì tôm, sữa, dầu ăn... nhưng số lượng không nhiều. Các sản phẩm này chỉ được bày bán ở một kệ hàng duy nhất trong siêu thị. Trong khi đó tại siêu thị lớn như Big C hiện chưa có sự hiện diện của những mặt hàng bình ổn giá của Chính phủ. Nhìn chung lượng hàng hóa tung ra thời điểm này còn quá mỏng, chưa được như mong muốn của đại đa số người tiêu dùng hiện nay.

Liệu có lập kỷ lục giá mới?

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là chỉ số giá tiêu dùng từ nay đến cuối năm sẽ ra sao? Liệu hàng tiêu dùng sẽ lập mức tăng kỷ lục vào dịp cuối năm? Đây thực sự là bài toán khó, vì ngay đầu năm, có những tổ chức dự đoán CPI cả năm của Việt Nam sẽ khoảng 13%, có tổ chức dự báo khoảng 10%, còn mục tiêu của Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn là 9%. Đáng chú ý nhất có lẽ là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (ĐH Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) dự báo lạm phát nằm trong khoảng 4,6% đến 6,18%. Trước những sự khác biệt trong việc dự báo của nhiều tổ chức về mức lạm phát của những tháng cuối năm khiến người tiêu dùng tỏ ra lo lắng. Bởi nếu ở mức 13% thì gánh nặng sẽ đổ lên người dân trong thời điểm khó khăn này.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đưa ra nhận định, với tình hình như hiện nay thì đến thời điểm cuối năm, giá cả chắc chắn sẽ có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, liệu có lập mức giá mới hay không thì rất khó nói. Bởi hiện tại, Chính phủ đang có nhiều chính sách để kiềm chế lạm phát, nếu điều này thực hiện tốt thì chiều hướng tăng sẽ không đáng kể.

Để chứng minh cho lập luận của mình, chuyên gia kinh tế này cho rằng: "Do những lo lắng về thịt lợn nhiễm chất tạo nạc khiến người tiêu dùng đã e ngại nên sức mua thịt lợn trong thời điểm hiện nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra vấn đề, người chăn nuôi sẽ thu hẹp quy mô chăn nuôi. Nếu điều này diễn ra, khi nhu cầu về thịt lợn cuối năm tăng lên mà nguồn cung hẹp dần tất yếu sẽ xảy ra tình trạng tăng giá".

Tình trạng về thị trường thịt lợn cũng diễn ra tương tự như thị trường cá ba sa và nhiều thực phẩm thiết yếu khác. Khi mà sức mua giảm ở thời điểm những tháng đầu năm 2012 đã khiến cho quy mô chăn nuôi ở các trang trại bị thu hẹp. Nếu không có những biện pháp kịp thời hiện nay sẽ dẫn đến tình trang khan hiếm nguồn cung cấp thực phẩm vào cuối năm. Ngoài ra ông Doanh cũng tỏ ra quan ngại các mặt hàng thiết yếu như xăng, vàng hiện nay trên thị trường thế giới sẽ có tác động xấu đến sự tăng giá các mặt hàng trong nước. Điều đặc biệt, xu hướng tăng các mặt hàng này ở thế giới chưa có dấu hiệu giảm xuống.

Cùng quan điểm này chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới sẽ tăng, tuy nhiên rất khó nói là sẽ tăng bao nhiêu. "Bởi hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào được công bố về mức độ khan hiếm hàng hóa, cùng với đó là những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt các mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, vàng) nên việc dự đoán trở nên khó khăn hơn nhiều", TS. Ánh nhận định.

Ở một góc độ khác, TS. kinh tế Trần Văn Đức, giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp đưa ra lập luận, việc chỉ số CPI tăng vào tháng 8 không có gì là điều bất thường. "Theo thông lệ cứ đến gần những tháng cuối năm giá cả bắt đầu tăng giá vì nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng càng cao. Hiện tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà phổ biến chung cho nhiều nước trên toàn thế giới. Những nước xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Inđonexia, Thái Lan đều chung tình cảnh này", TS Đức lý giải.

TS. Đức cũng nhận định, trong các mặt hàng tăng giá vào dịp cuối năm thì hàng nông sản có mức tăng cao nhất. Ông Đức cũng giải thích, hiện nay xu hướng ở nước ta cũng như các nước trên thế giới sẽ hạn chế can thiệp vào thị trường mà để thị trường vận hành theo quy luật. Nên sự tăng giá các mặt hàng hiện nay có sự đồng điệu với sự tăng giá của khu vực và thế giới.

"Mọi dự báo đưa ra bây giờ chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Bởi những tháng cuối năm sẽ còn nhiều biến động, rất khó để đoán được chỉ số CPI sẽ tăng trong các tháng cuối năm như thế nào. Nhưng Chính phủ nên có những chính sách khuyến khích chăn nuôi trong thời điểm này để tránh tình trạng khan hiếm thực phẩm vào cuối năm", TS Trần Văn Đức nêu ý kiến.

Hàng bình ổn rục rịch đòi tăng giá

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc siêu thị Coopmart chi nhánh Hà Nội cho biết: "Nhiều đơn vị cung ứng hàng cho siêu thị đang đòi tăng giá. Siêu thị chúng tôi vẫn thực hiện bán hàng theo chương trình bình ổn giá để hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, gần đây nhiều nhà cung cấp liên tục đòi tăng giá, trước tình hình đó chúng tôi chỉ có thể kéo giãn thời gian tăng giá chứ không thể quyết định không tăng giá được, dù đó là hàng bình ổn giá”

Trinh Phúc - Hà Khê


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.