Ngay sau khi báo Người Đưa Tin đăng tải kiến nghị về sự bất hợp lý khi người hiến tạng đang phải tự chi trả tiền xét nghiệm trước khi hiến, cùng với đó cũng chưa có nguồn để đảm bảo phục hồi sức khỏe cho họ. Chúng tôi đã liên hệ ĐBQH, GS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, người đã có nhiều năm gắn bó với các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng để rõ hơn câu chuyện.
Muốn hiến tủy xương phải bỏ 20 triệu đồng tiền xét nghiệm
PV: Theo thông tin PV tìm hiểu được, hiện tại người muốn hiến tạng đang phải tự chi nhiều khoản tiền liên quan đến xét nghiệm, phục hồi sức khỏe. Theo ĐBQH, việc này có đi ngược lại xu thế khuyến khích việc hiến tạng cứu người?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Một người đi hiến tạng cứu người mà không được chăm sóc phục hồi sức khỏe là rất không nên. Điều đó ảnh hưởng đến việc kêu gọi, lôi kéo thêm được nhiều người khác tham gia hiến tạng.
Hiến tạng dù bất cứ bộ phận nào cũng có ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi vậy, việc tiếp tục chăm sóc sau khi hiến là một việc hết sức cần thiết. Bên cạnh đó còn phải phòng các bệnh xuất hiện khi bộ phận cơ thể bị thiếu vắng, không đầy đủ. Chúng ta phải lường trước, đó là khoa học và đó cũng là nhân văn.
Khi vận động hiến mô tạng, chúng ta không chỉ phải quan tâm đến người được ghép mà phải quan tâm đến cả người hiến. Như vậy mới là một hoạt động nhân đạo bền vững. Vì vậy, cần có chính sách hợp lý để có thể vận động nhiều người tham gia hiến bộ phận cơ thể để cứu người.
Tôi đơn cử như một người muốn hiến tủy xương cho bệnh nhân ghép tế bào gốc, việc đầu tiên họ phải làm bộ xét nghiệm HLA. Tổng toàn bộ số tiền xét nghiệm này khoảng 20 triệu đồng. Với những người có điều kiện thì không thành vấn đề. Nhưng số gia đình có điều kiện để thanh toán khoản tiền đó không phải là tất cả. Họ sẵn sàng làm việc thiện là hiến tủy xương nhưng bỏ ra 20 triệu đồng là cả barie quá lớn với nhiều người.
Chính vì thế, cần phải có tháo gỡ chính sách sớm nếu không việc ghép tạng của Việt Nam có thể sẽ bị đình đốn.
PV: Như ông nói là cần phải quan tâm cả người hiến, vậy ông đánh giá ra sao về các kiến nghị của Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (bộ Y tế) là phải điều chỉnh chính sách. Cụ thể người hiến tạng phải được thanh toán toàn bộ chi phí mổ lấy mô, tạng, chi phí chăm sóc hồi phục sức khỏe ngay sau khi hiến tặng và chi phí định kỳ khám sức khỏe ngay tại cơ sở y tế đã hiến tặng hoặc nơi gần nhất (theo yêu cầu của người hiến).
Được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp (không bị ràng buộc theo chuyển tuyến), và được thanh toán ở hạng mức cao nhất 100%, thời gian có hiệu lực của thẻ nên kéo dài 3 hoặc 5 năm cấp một lần để hạn chế vất vả cho người hiến tặng?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Như phân tích phía trên về sự cần thiết phải có chính sách phù hợp, vì thế, tại thời điểm này, tôi cho rằng các đề xuất này là đúng và tôi hoàn toàn đồng ý.
Tuy nhiên cần phải nhìn nhận vấn đề có tính “lịch sử” là: Việc vận động để có người hiến mô tạng là hoạt động còn rất mới ở Việt Nam. Cũng giống như hiến máu nhân đạo ở Việt Nam, cách đây mấy chục năm chỉ có người bán và bệnh viện mua về phục vụ cho bệnh nhân. Sau đó, chúng ta học tập quốc tế và nhận ra là phải hiến máu nhân đạo thì mới có máu an toàn. Rồi chúng ta vận động và tổ chức thực hiện, nay đã làm thành công.
Vì hiến tạng là việc rất mới nên cần có những đề xuất, kiến nghị phù hợp với các cấp các ngành có liên quan để mọi người hiểu và tiến hành các sửa đổi trong những văn bản pháp quy, rồi triển khai trong thực tiễn. Những đề xuất này nên được coi là những đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn của cuộc sống. Và bởi vậy, cũng phải có thời gian.
Cần phải tháo gỡ sớm
PV: Vậy theo ĐBQH điểm nghẽn chính sách ở đâu khiến người hiến đang phải chi trả nhiều khoản tiền được cho là bất hợp lý và chưa nhân văn như vậy?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Tôi phải nói thẳng là tại thời điểm này bảo hiểm không thanh toán chi phí trên thì họ không có lỗi vì trong luật chưa quy định. Bản chất của vấn đề là nếu muốn bảo hiểm thanh toán thì phải sửa trong luật Bảo hiểm y tế. Ở thời điểm này, bảo hiểm có cam kết và thực hiện thì cũng sai luật.
Trong thực tiễn, trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người khi nhận ra mâu thuẫn, những điểm chưa phù hợp về chính sách BHYT thì cần phải đề xuất. Đầu tiên là sửa trong luật BHYT, sau đó BHXH mới có cơ sở để thực hiện.
PV: Thưa đại biểu, nếu sửa luật, chúng ta liệu có làm được ngay không?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Muốn sửa luật là phải Quốc hội sửa và thông qua. Vì vậy, bộ Y tế cần kiến nghị Quốc hội sửa luật này. Tuy nhiên, tôi nhận thấy sửa luật thì việc thực hiện sẽ khó khăn và chắc chắn Quốc hội sẽ phải “đau đầu” bàn tính.
PV: Đại biểu có thể phân tích rõ hơn nhận định trên?
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Hiện tại, chi phí mua bảo hiểm y tế hiện tại quá thấp nên bảo hiểm khó còn phần dư để chi trả cho việc hiến, ghép tạng. Khi nhu cầu hiến, ghép tạng ngày càng tăng cao thì bảo hiểm có thể không đủ sức để chi trả.
Cũng cần nói thêm, bảo hiểm không chỉ trả chi phí dịch vụ y tế cho người hiến mà cả người ghép cũng phải được chi trả. Bởi vì ghép tạng, ghép tế bào gốc… cũng là một phương pháp điều trị.
Nếu tính tỷ lệ chi cho thuốc điều trị và ghép, tôi cho rằng cũng tương đương. Tôi ví dụ với những người có bệnh về máu mà điều trị bằng hóa chất, bằng thuốc nhắm đích, mỗi tháng họ nhận một lượng thuốc khoảng 50 triệu đến gần 100 triệu đồng (tùy bệnh, tùy phác đồ, tùy loại thuốc), đều đặn như vậy và không biết bao giờ chấm dứt. Vậy thì ghép tế bào gốc mà chữa trị được bệnh còn đỡ tốn kém chi trả hơn.
Quay trở lại câu chuyện về việc cần thay đổi chính sách để người hiến, ghép tạng được bảo hiểm chi trả, đầu tiên là luật phải cho phép bảo hiểm chi trả. Tiếp đó, nguồn tiền từ đâu thì phải tính toán. Theo tôi suy nghĩ, có lẽ sẽ có một trong 2 cách:
Cách thứ nhất là thay đổi bằng: Mua bảo hiểm theo mệnh giá và thanh toán phải theo trần mệnh giá (mua mệnh giá bao nhiêu thì được thanh toán cả người ghép và người hiến tạng để ghép cho người đó). Điều này phải được cam kết trong luật.
Cách thứ hai là tính toán số lượng ca ghép và hiến hàng năm có nhu cầu, rồi đề xuất lên Chính phủ để Chính phủ cấp kinh phí; và nên chuyển cho bảo hiểm chi trả số tiền đó cho người hiến và ghép tạng.
Xin cảm ơn đại biểu về cuộc trao đổi!