Muôn hình vạn trạng “cò” bán máu

Muôn hình vạn trạng “cò” bán máu

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Để có được loại máu bệnh nhân cần truyền, người thân của bệnh nhân chỉ cần "cậy nhờ" đội ngũ "cò" bán máu khu vực xung quanh các cổng bệnh viện là... loại gì cũng có.

Máu, loại gì cũng có

Theo lời giới thiệu của người bạn, nếu cần mua, bán máu cứ đến Bệnh viện (BV) Bạch Mai (đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì mọi nhu cầu sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, để bán được máu lại không hề dễ như những gì mà người bạn đã quảng cáo. Phải mất hơn 10 phút tìm đường, tôi mới hỏi tới được khu vực khoa Huyết học của BV Bạch Mai.

Do mới đầu giờ chiều nên khu vực cấp phát máu của bệnh viện vắng tanh, không bóng người. Gõ cửa hỏi thăm vài ba phòng ở khu vực này, cuối cùng tôi cũng được một người thanh niên khoảng 30 tuổi, mặc áo blu trắng cho biết: "Bệnh viện đã ngừng mua bán máu cách đây vài năm. Lượng máu hiện có của bệnh viện chỉ dùng để cấp phát cho những bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện. Muốn mua, bán máu, anh xuống viện Huyết học truyền máu Trung ương ở đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội)".

Xã hội - Muôn hình vạn trạng “cò” bán máu

Quang cảnh lấy máu tại Viện Huyết học và Truyền máu TW.

Vừa bước chân ra khỏi khu vực khoa Huyết học của bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã bị "bao vây" bởi cánh xe ôm. Tôi liền chủ động lên tiếng nhờ những người này tìm máu giúp, với lý do người nhà đang cấp cứu. Tôi vừa nói xong, một trong những người xe ôm tiếp lời, quảng cáo: "Người nhà em cần loại máu gì, bao nhiêu đơn vị"? Sau khi biết được nhu cầu, người này nói: "Nhóm máu O, lưu lượng 250ml hiện có giá 4 - 5 triệu đồng, nếu đồng ý, anh sẽ gọi người mang đến cho".

Tôi tỏ ý mức giá máu như thế là quá cao so với giá quy định của Nhà nước thì người đàn ông này nhát gừng: "Mức giá đó là phải rồi, bây giờ làm gì có chuyện bán máu với giá vài trăm nghìn hay một triệu đồng như trước. Anh cũng nhóm máu O, nếu bán theo giá Nhà nước quy định, chỉ có người... hâm mới bán. Vài trăm nghìn chả bõ để mua đồ ăn bồi bổ".

Tôi tìm đến BV Việt Đức, BV Phụ sản Trung ương... tìm hiểu thì cũng nhận được những lời giới thiệu, quảng cáo về mua, bán máu tương tự như ở BV Bạch Mai. Ngoài ra, "cò" bán máu ở hai nơi này còn cho biết thông tin: Mọi việc mua, bán máu đều qua con đường duy nhất đó là phải xuống viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Còn những bệnh viện khác người ta không mua, bán máu, người ta nhận lời giúp chỉ là hứa được chăng hay chớ. Trước sau, "người giúp" đó cũng phải xuống viện Huyết học và Truyền máu, vì ở đó người ta mới có quyền và chức năng lấy máu?!".

Tại viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, nơi được coi là đầu não về cung cấp máu cho các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, chúng tôi cũng không khó khăn trong việc tiếp cận với lực lượng "cò" mua, bán máu ở đây. Sau vài câu hỏi thăm cánh xe ôm về nhu cầu mua máu của mình, một cò tên N tỏ ra rất chuyên nghiệp hỏi: "Anh cần loại máu gì, mấy đơn vị?"

Thấy vẻ mặt ngơ ngác của tôi, N liền giảng giải: "Chắc anh không biết người ta quy ra 1 đơn vị máu đó thôi, 1 đơn vị máu được tính bằng 200 - 300 ml, người nhà anh cần bao nhiêu thì cứ như vậy mà quy đổi ra đơn vị cho tiện. 1 đơn vị máu O có giá 1.200.000 đồng, lấy nhiều hơn sẽ được giảm 100.000 đồng cho từng đơn vị máu. Anh lấy 1 hay 2 đơn vị để em gọi điện người ta đến, sau thời gian 1 tiếng đồng hồ sẽ có máu mang về".

Đồng thời N nhấn mạnh, "người nhà anh nằm viện nào, có mang giấy đến không?" Không có giấy cần truyền máu của bệnh viện không mua được máu đâu, bởi đây là thủ tục bắt buộc. Tốt nhất anh đặt tiền trước để em gọi điện bảo người bán máu đến rồi vào viện làm các thủ tục. Còn anh gọi điện cho người nhà mang giấy cần truyền máu đến. Trước sự đeo bám quyết liệt của N, tôi đành viện lý do phải đích thân về lấy giấy của bệnh viện thì N mới chịu dừng lại, nhưng N vẫn không quên cho số điện thoại để tiện liên lạc.

Tiêu cực về máu?

Cũng qua câu chuyện do "cò" N bật mí, mọi thủ tục liên quan tới mua bán máu đều phải nhờ các y bác sĩ của một Viện chuyên về vấn đề này làm? Từ việc xét nghiệm trước khi lấy máu, đến quá trình lấy máu ra sao, bảo quản máu như thế nào... đều do người ta làm và thực hiện. Tất cả đều phải tuân theo đúng quy trình, người mua đợi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ là có máu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, quy trình lấy máu, xét nghiệm... rồi chuyển đến người cần truyền phải mất tới 6 - 7 tiếng. Lẽ nào việc mua, bán máu như N hứa chỉ sau khoảng thời gian ngắn như vậy mà người mua có thể nhận được máu? Và như vậy chất lượng máu có được đảm bảo hay sẽ bị đánh tráo để đánh lừa người bệnh?! Nếu "quy trình" mua, bán máu xảy ra theo đúng "cò" N quảng cáo, phải chăng có sự mập mờ trong việc mua bán máu hiện nay?

Xã hội - Muôn hình vạn trạng “cò” bán máu (Hình 2).

Máu được bảo quản tại Viện Huyết học và Truyền máu TW trước khi được cung cấp tới các bệnh viện.

Đề cập tới hiện tượng trên, anh Nguyễn Văn Hùng (ở Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, cách đây gần một tháng anh đưa người nhà cấp cứu tại một bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội. Trong quá trình cấp cứu, do thiếu máu nên người nhà anh được bệnh viện yêu cầu mua máu để truyền. Điều đáng nói ở chỗ, mặc dù gia đình anh Hùng đã mất tiền mua máu nhưng không hiểu sao lại nhận được thông báo của bệnh viện yêu cầu người nhà đến lấy máu để bù vào kho lưu máu cho chính số máu đã mua trên?! "Tôi không hiểu người ta làm ăn, chữa bệnh cho bệnh nhân kiểu gì. Chúng tôi đã mất tiền mua máu hẳn hoi sao lại có chuyện lại phải trả lại máu vào kho lưu như vậy?", anh Hùng bức xúc.

Theo Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương, phó viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hiện tại Viện chưa nhận được bất kỳ thông tin phản ánh về tình trạng tiêu cực xảy ra. Nếu có chúng tôi sẽ kiểm tra, thắt chặt lại hệ thống quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm. Còn tình trạng "cò" tại các bệnh viện hiện có rất nhiều, chúng tôi cũng đã ý thức được vấn đề này để rút kinh nghiệm cũng như quản lý sao cho có hiệu quả. Đó là phạm vi quản lý trong Viện, còn phía ngoài chúng tôi lại không có quyền kiểm soát, xử lý, do đó rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở nhằm xử lý nghiêm các tình trạng cò mồi, chèo kéo người bệnh.

Cũng theo ông Dương, máu không thể dùng tại nhà được, mà máu phải dùng trong bệnh viện hoặc phải có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ. Thực tế có một vài trường hợp bác sĩ chỉ định về nhà dùng nhưng do lơ là, không theo dõi dẫn đến việc bệnh nhân xảy ra biến chứng ngay. Do đó, khi mua máu thì bác sĩ sẽ phải kiểm tra lại đơn vị máu đó, truyền xong mới hết trách nhiệm. Nói như vậy để thấy máu không dễ dàng để một người lấy, cá nhân mang ra vì không có nguồn để tiêu thụ, sử dụng.

Thạc sĩ Phạm Tuấn Dương, phó viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết: “Thông thường máu hay khan hiếm vào dịp cuối năm (dịp Tết) và dịp mùa hè. Riêng hè năm nay nguồn máu hiện đang rất dồi dào do đó rất khó có tiêu cực xảy ra. Từ giữa năm 2011, viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã bỏ qua các khâu có nguy cơ gây tiêu cực (các khâu trung gian) bằng cách cung cấp máu trực tiếp từ nguồn (từ Viện) đến các bệnh viện. Trong đó, quy trình vận chuyển, cung cấp máu rất chặt chẽ từ chỗ nhận điện thoại, fax báo đơn vị máu cần của các bệnh viện, sau đó vào sổ theo dõi, lên mạng máy tính chọn, gom loại máu, rồi đến việc cử người đi cùng với lái xe vận chuyển máu mang đến tận cơ sở. Với quy trình chặt chẽ như vậy và đặc biệt quá trình cung cấp máu có sự tham gia liên hoàn, nhiều bộ phận với nhau tại Viện, chắc chắn sẽ giảm thấp nhất các tiêu cực.

Văn Hoàng - Ngân Giang

(Còn nữa)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.