Trúng lớn
Nhắc đến chuyện số đỏ - đen trong việc đào đá đỏ với đám phu đá, tất thảy họ đều rào rào sung sướng vì cuối năm 2012 đầu năm 2013 anh em phu đá vừa trúng quả đậm. Không rõ tổng số lượng đá đỏ được tìm thấy cách đây mấy tháng nhiều hay ít nhưng cái tin đó đã làm nức lòng bao người dân đã một thời bán thân cho rừng đen núi đỏ, nhưng có lẽ sướng nhất vẫn là những phu đá vẫn đang từng ngày lầm lụi chui vào lòng đất bới đất tìm đá.
Theo chân một nhóm chuyên đánh kẹp (thợ chui rúc vào các kẽ núi đá để tìm đá đỏ) lên một ngọn núi cách khu lán tập kết của Lục Văn Duy không xa. Duy dẫn đầu nhóm 3 người chui xuống một kẽ đá cùng với một con dao nhọn và cái xô dùng để múc đất.
Vừa hì hụi đào đất, duy vừa hổn hển khoe vụ trúng quả năm ngoái: "Hồi giáp Tết năm ngoái anh trúng được hai viên đá đỏ ở kẹp này. Bên kẹp này ít hàng (cách gọi khác của đá đỏ), nhưng mà được hàng nào chất hàng nấy. Năm ngoái cũng thế, đào núi hơn nửa năm trời mà chẳng được viên nào, bỗng dưng sang kẹp này một phát được liền hai viên đỏ như tiết gà, viên đầu bán được 30 triệu, viên thứ hai được 50 triệu". Với số tiền này, Duy dùng vào việc làm nhà, mua trâu để làm ăn. Duy bảo: "Anh đang cố đào, trúng được quả nữa rồi về làm ăn. Chơi trò này hên xui lắm, sức cũng yếu rồi không thể vác đá được nữa".
Vào kẽ đá tìm đá đỏ
Trong nhóm đào đá đỏ ngoài Duy ra thì Hiệp cũng là người đã trúng đá đỏ hồi cuối năm ngoái. Hiệp kể: "Năm ngoái em cũng đánh kẹp ở núi bên cạnh, nhưng mà bên đó ít sỏi, đào mãi mà chẳng được viên nào, em tính bỏ chỗ đó đi chỗ khác làm. Thế rồi một hôm em phê rượu nhưng vẫn cầm dao lên đó đi đào đá, thật không ngờ em mới múc một chậu đã trúng một viên ruby đỏ, trong vắt, sau em đem xuống núi bán được gần một trăm triệu, số tiền đó em cũng dùng vào việc làm nhà, đi đám cưới rồi chi phí mua thực phẩm lên núi... đến nay trong núi em còn được 10 triệu".
Trong nhóm đào đá đỏ, Hiệp là người được nhiều anh em thương cảm nhất vì có hoàn cảnh khó khăn, nhà Hiệp đông anh em, bố mẹ già không làm được gì, tất cả mọi chi phí sinh hoạt đều do một tay Hiệp lo liệu. Chính vì thế mà Hiệp phải bỏ học lên núi đi đào đá đỏ từ năm 9 tuổi. Có lẽ do sống ở rừng thiêng núi độc lâu năm nên Hiệp bị dính phải chứng bệnh lạ, lưỡi đen như lưỡi trâu và mất dần vị giác, lưỡi cứ cứng dần đến nuốt nước bọt cũng cảm thấy khó khăn. Thế nhưng, ngoài việc đi đào đá đỏ ra thì Hiệp không biết phải làm gì khác. "Em không được ăn học đến nơi đến chốn, xuống núi thì ruộng đồng hoang cằn, trồng cây lúa cây sắn không năng suất. Rừng núi thì nhà em không có. Chắc em sẽ bám trụ công việc này tìm vận may. Kiếm được vài trăm triệu thì em xuống núi, lúc đó làm gì tiếp theo nữa mới tính sau", Hiệp tâm sự.
Theo lời của cánh đào đá đỏ thì cuối năm 2012 đầu 2013 nhóm đào đá đỏ của Duy, Hiệp trúng lớn, người ít nhất cũng phải được một trăm triệu, người nhiều thì 3 - 4 trăm triệu. Cá biệt có trường hợp của phu đá Lục Văn Thi ở xã Minh Xuân trúng gần 1 tỉ đồng, với số tiền đó đủ cho Thi ăn chơi cả đời không hết. Thế nhưng sau tết, mọi người thấy Thi vẫn lầm lũi lên rừng đào đá. Khi chúng tôi hỏi về chiến tích trúng quả đậm hồi đầu cuối năm, người đàn ông chừng 35 tuổi chỉ rất kiệm lời đáp: "Được bao nhiêu đâu chú!".
Trong nhóm đào đá đỏ chuyên đi đánh kẹp thì Thi là người được đồng nghiệp đánh giá là "yêu nghề" nhất, mặc dù trúng đá đỏ nhưng gã vẫn cần mẫn lên núi đào đá chứ không ngồi nhà ăn chơi hưởng thụ như bao người khác. Và cái nữa là kinh nghiệm tìm kẹp đá của Thi khiến nhiều người phải nể phục. Có lẽ vì thế mà việc Thi trúng đá là chuyện bình thường.
Phu đá Lục Văn Duy bên viên đá màu hồng vừa đào được
Hết thời đá đỏ
Mặc dù cái thời hoàng kim của đá đỏ Lục Yên đã trôi qua mấy chục năm nay, thế nhưng dòng chảy của nó vẫn cứ tồn tại cùng với nhịp điệu lúc ồn ào, lúc tẻ nhạt. Những ngày lặn lội cùng một số cánh phu đá đỏ đi khắp vùng Lục Yên chúng tôi mới thấy được cái hơi thở gấp gáp, vội vã phong trào đào đá đỏ đang trong cơn cuồng suy.
Ở chợ đá quý Lục Yên cách đây hơn 1 năm còn đông đúc người mua kẻ bán, thế nhưng hiện tại thì chỉ còn lác đác vài bà bán đá rong thường xuống chợ vào mỗi buổi sáng vào lúc 7 giờ theo thông lệ xưa cũ. Chợ đá giờ được người dân dùng làm nơi buôn bán thịt, cá, rau và thực phẩm hàng ngày. Ngoài cổng chợ, biển hiệu "Chợ đá quý Lục Yên" lâu ngày không có người sửa chữa nên đã hoen ghỉ, cũ nát và quăn queo khiến nhiều người không thể nhận ra nơi đây đã từng là niềm tự hào của người dân đất ngọc Lục Yên.
Ở dòng chảy ngầm của đá đỏ Lục Yên cũng èo uột chẳng khác nào chợ đá. Phu đá Lục Văn Quý ở huyện Lục Yên cho biết: "Hiện giờ những tay trùm buôn bán đá quí một thời ở Lục Yên đã giải nghệ, khi có ai bán đá thì gọi cho vài thương lái trong huyện, nói là thương lái nhưng làm quái gì có tiền mà mua, họ hỏi mua lại cho mấy ông trùm to hơn ở Hà Nội rồi kiếm vài đồng chênh lệch, càng mua rẻ bán đắt càng tốt".
Một viên đá đỏ khi soi dưới ánh đèn pin
Những ngày ở Lục Yên, chúng tôi còn được đám phu đá dẫn đi mót đá ở các bãi thải của những công ty đá như bãi Thái, bãi Ấn Độ... Tại đây có 40 - 50 người hì hụi đập đá, họ đi mót những viên đá mầu, đá can xít (những loại đá mà cách đây 20 năm họ đã từng vứt đi) về để bán cho những cơ sở chế tác tranh đá quí ở thị trấn Yên Thế. Phu đá Lục Văn Quý cho biết: "Giá đá màu dao động tùy vào chất lượng đá, nhưng nếu qui ra tiền thì mỗi ngày bọn em làm được 200 - 300 ngàn, người nào số đỏ thì được đá ruby hoặc đá màu với giá từ vài triệu cho đến vài chục triệu".
Không khí mót đá ở những bãi đá thải rệu rã, èo uột khác hẳn với không khí làm việc của cánh phu đá đi đánh kẹp ở trong các khu rừng thuộc xã Nghĩa Đô.
Lục Văn Duy - người đồng hành cùng chúng tôi suốt hành trình tìm đá đỏ dẫn chúng tôi đến một khu rừng mà ở đó có hai chiếc máy cẩu hiện đại, dàn lọc đá, đường ống dẫn nước để sàng lọc cùng gần năm mươi công nhân đang đào đất, khoan đá. Duy bảo: "Bọn này đánh đá theo kiểu cuốn chiếu, chúng nó lật tất cả mọi thứ lên vào sàng lọc kỹ càng, không một viên đá quí nào lọt qua lỗ sàng được".
Theo giải thích của Duy thì đây là khu vực nằm trong dự án của các mỏ đá. Nếu không làm nhanh thì chỉ vài ba năm nữa khi các công ty đá đem máy móc đến khai thác đá xẻ thì toàn bộ những quả núi chứa đầy đá đỏ sẽ bị cày nát, đến lúc đó cánh phu đá sẽ hết đường làm ăn, đi những nơi xa hơn thì hiếm đá đỏ, đường lại xa nên chưa biết chừng nào mới làm được. Tốt nhất là nên tranh thủ kiếm được chừng nào hay chừng đó".
Anh Lục Văn Thi cho biết: "Đi đánh kẹp cũng phải biết luồng đá thì mới được, luồng đá giống như một dòng suối, khi nước chảy thì đánh dạt đá xuống phía dưới. Mình phải quan sát xem chỗ nào là "dòng suối" vô hình đó rồi cứ thế mà lần mò theo, chắc chắn sẽ tìm thấy đá đỏ, nếu may mắn thì có thể được viên tốt bán được bộn tiền". |
Theo Kiến thức