Theo báo Doanh nghiệp Việt Nam, dự báo doanh số Thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam trong 2 năm tới sẽ đạt 10 tỷ USD, với khoảng 30% dân số mua sắm trực tuyến. Với lượng dân số trẻ là 45,8 triệu người (chiếm 49% dân số), lượng đăng ký thuê bao di động hiện là 124,7 triệu thuê bao, là lợi thế lớn cho thị trường bán lẻ trực tuyến hiện nay.
Tuy nhiên, trong các giao dịch TMĐT thì thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) vẫn là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%).
Giới chuyên gia cảnh báo, việc trốn tránh thuế, chuyển đổi ngoại tệ trái phép trong bán lẻ trực tuyến chính là một hình thức của hoạt động kinh tế ngầm khi mà việc thanh toán bằng tiền mặt chưa giảm.
Ông Nguyễn Văn Bách, quyền Cục trưởng cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết tại TP.HCM có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều đối tượng lợi dụng hình thức bán lẻ trực tuyến để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả.
Việc bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng thực chất là kinh tế ngầm, đã làm xấu hình ảnh thương hiệu hàng Việt. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước bị kìm hãm sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh yếu và khó bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của chính mình.
Theo 24h, hiện có nhiều chiêu thức được những người bán hàng qua mạng dùng để né thuế. Một thanh tra viên cục Thuế TP.HCM cho hay ngoài chiêu thức không công khai địa chỉ, số điện thoại trên trang Facebook, thanh toán bằng tiền mặt, phương thức vận chuyển, giao hàng thông qua các công ty giao nhận hàng hóa, người bán hàng qua mạng còn có rất nhiều chiêu thức tinh vi khác.
Một chiêu thức né thuế khá phổ biến hiện nay là giảm bán hàng trên Facebook, chuyển mọi giao dịch sang các mạng Viber, Zalo.... và "chát" trực tuyến.
Trong khi đó, những số liệu từ một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu thế giới cho thấy, sự tăng trưởng vượt bậc trong mảng chi tiêu TMĐT tại Việt Nam với số lượng giao dịch tăng đến 44%.
Mặc dù vậy, việc trốn tránh thuế như trong kinh tế ngầm vẫn là nỗi ám ảnh với cơ quan quản lý. Chẳng hạn như khoảng 27.000 tài khoản bán hàng qua Facebook (con số thực có thể lên đến cả triệu) ở Hà Nội và TP.HCM được cơ quan quản lý thuế lọc ra hồi năm ngoái. Theo giới chuyên gia, để kiểm soát được thì cần chuyển trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, các ví điện tử hơn là sử dụng tiền mặt.
Báo Lao Động cho hay, tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng tại Việt Nam đang được ví là tra soát tới đâu phát hiện tới đó. Đơn cử mới nhất, cục Thuế TP.HCM mới chỉ rà soát tại 4 ngân hàng đã cho thấy có hơn 500 tỷ đồng được các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… chuyển cho hàng nghìn cá nhân tại Việt Nam.
Kinh doanh qua mạng hiện tạm chia thành hai phạm vi: Phạm vi trong nước, đơn cử là khoảng 27.000 tài khoản bán hàng qua Facebook (tuy nhiên con số thực được cho rằng lên đến cả triệu) được ngành thuế lọc ra trong năm 2017 chia đều cho hai đầu Hà Nội và TP.HCM, có thể chuyển trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, các ví điện tử hoặc sử dụng tiền mặt.
Phạm vi thứ hai là cung cấp sản phẩm, dịch vụ kinh doanh online xuyên biên giới, thì việc thanh toán hầu như 100% qua tài khoản ngân hàng, như trường hợp thu nhập của Nguyễn Hà Đông hay trường hợp cá nhân mới bị cục Thuế TP.HCM phạt và truy thu thuế 4,1 tỷ đồng. Như vậy, không ai khác chỉ có ngân hàng mới nắm rõ dòng tiền ra-vào trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ online xuyên biên giới và một phần không nhỏ của ngành kinh doanh online trong nước.
Đào Vũ (Tổng hợp)