Muốn làm "sếp" y tế huyện, chỉ cần có... bằng lái xe B2 là "lọt cửa" tuyển dụng?

Muốn làm "sếp" y tế huyện, chỉ cần có... bằng lái xe B2 là "lọt cửa" tuyển dụng?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Chủ nhật, 17/05/2020 13:54

Tại trung tâm y tế tuyến huyện ở Đắk Nông có trường hợp khi nhận vào làm việc chưa có bằng cấp, chỉ có mỗi bằng lái xe B2. Vị này được bổ nhiệm lãnh đạo một khoa sau đó- một cuộc “bổ nhiệm” ngoạn mục được lý giải do nhầm lẫn giữa hành chính và phân công chuyên môn?!

Báo chí đưa tin, ngày 16/5, trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) cho biết vừa hủy quyết định hành chính phụ trách khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đối với ông Lê Phước Th., nguyên phụ trách khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn.

Trước đó, trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp có báo cáo về một số thiếu sót, chưa đúng quy định về công tác quản lý hành chính trong tuyển dụng, bổ nhiệm phụ trách, đào tạo viên chức, người lao động và hoạt động xã hội hóa tại đơn vị. Trong báo cáo này làm rõ về trưởng hợp ông Lê Phước Th. được ký hợp đồng khi chỉ có bằng lái xe ô tô hạng B2. Sau này, ông Th. được bổ nhiệm phụ trách khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn.

Về việc bổ nhiệm ông Th., trong báo cáo của trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp thừa nhận: "Việc phân công phụ trách khoa đối với nhân viên hợp đồng lao động là không đúng với quy định hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập". Đại diện trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp lý giải do bộ phận tham mưu nhầm lẫn giữa hành chính và phân công chuyên môn?! Giám đốc trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp xác nhận với báo chí đã cho ông Th. nghỉ việc sau nhiều ồn ào liên quan đến hợp đồng lao động của ông này.

Được biết, vừa qua, trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp đã thu hồi 39 quyết định phụ trách khoa, phòng và trạm y tế vì thiếu nhiều tiêu chuẩn chưa đáp ứng chức danh bổ nhiệm theo quy định.

Bổ nhiệm cán bộ thiếu tiêu chuẩn, nợ tiêu chuẩn lâu nay vẫn tồn tại khá phổ biến, tuy nhiên, việc cất nhắc 1 người lên phụ trách khoa mà "nợ tiêu chuẩn", chỉ cần có... bằng lái xe B2 cũng là điều xưa nay hiếm. Thế mới hay, liên quan đến công tác cán bộ còn nhiều lỗ hổng và có hiện tượng ngồi nhầm ghế. Câu hỏi mà dư luận đặt ra, khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ sai, ai là người chịu trách nhiệm?

Từ câu chuyện ở trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp cho thấy, phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm, với tăng cường kiểm tra, giám sát và chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Rõ ràng, công tác bổ nhiệm cán bộ phải trải qua nhiều khâu từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đến khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tất cả các khâu của công tác cán bộ đều có quan hệ mật thiết, biện chứng với nhau. Vậy nhưng, 1 người cầm trên tay tấm bằng lái xe B2 cũng “lọt cửa” tuyển dụng một cách dễ dàng là vì sao?

Nhìn từ vụ việc trên đối chiếu với nhiều địa phương khác, dư luận trông chờ vào những “bàn tay thép” cũng như những biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bổ nhiệm "nợ tiêu chuẩn", nạn chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ.

Thực trạng bổ nhiệm, “ngồi nhầm chỗ” đang tồn tại ở nhiều cơ quan, đơn vị nhưng việc xem xét, xử lý trách nhiệm của người người đứng đầu chỉ dừng lại ở việc… rút kinh nghiêm!?. Câu hỏi đặt ra là người đứng đầu cơ quan về công tác cán bộ đã nêu gương, gương mẫu, có tâm thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình về cán bộ chưa? Những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trên làm cho dư luận hoài nghi về tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ.

Đa chiều - Muốn làm 'sếp' y tế huyện, chỉ cần có... bằng lái xe B2 là 'lọt cửa' tuyển dụng?

Ảnh minh họa

Thậm chí, có nơi người đứng đầu bổ nhiệm “thần tốc” thực hiện "chuyến tàu vét lúc hoàng hôn”, bổ nhiệm một loạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn trước khi nghỉ hưu. Chia sẻ với báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội  thẳng thắn lên tiếng: “Trong thời gian trước, tôi cũng đã lên tiếng về việc này trên diễn đàn Quốc hội, vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nhiều quan chức tăng tốc tham nhũng cả về tần suất và cường độ để làm “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh. Bằng chứng là những biểu hiện cấp tốc đề bạt những người thuộc cánh hẩu hoặc những người “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” hay “con cháu các cụ cả” dẫn tới “đố điều đi đâu được”.

Vừa qua, chúng ta cũng đã phát hiện ra một số trường hợp có biểu hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm sai, bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện với nhiều cán bộ tại một số cơ quan đã được các cơ quan truyền thông chỉ rõ. “Cần ngăn chặn ngay việc đề bạt, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ gắn với trách nhiệm giải trình của những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Đồng thời phát huy tai, mắt của nhân dân để phát hiện, ngăn chặn các sai phạm chính là những “liều thuốc” để ngăn chặn những “chuyến tàu vét” vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ””, ông Tiến nói.

 Từ thực trạng bổ nhiệm cán bộ tại nhiều địa phương cũng như hiện tượng “sếp” y tế huyện được bổ nhiệm khi chỉ có giấy phép lái xe B2 gióng lên hồi chuông về việc kiểm soát công tác bổ nhiệm cán bộ một cách chặt chẽ trong giai đoạn này. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, ngồi nhầm “ghế”.

 N.G

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.